Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hungary: Cơn thịnh nộ “công trái định cư”

Quỳnh Chi| 02/02/2015 06:33

(HNM) - Tái đắc cử chưa đầy một năm, song Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban không ít lần vấp phải làn sóng phản đối vì những quyết định được cho là đi ngược lại với lợi ích của đa số người dân, từ chống tham nhũng đến những chính sách xã hội.

Người dân xuống đường biểu tình phản đối các chính sách của Chính phủ Hungary.



Mấy ngày gần đây, dư luận Hungary lại được phen dậy sóng vì dự thảo Thông tư của Bộ Kinh tế quốc gia về cái gọi là "công trái định cư". Theo dự thảo này công dân các nước ngoài Liên minh Châu Âu (EU) sẽ nhanh chóng được định cư tại Hungary nếu mua một loại công trái mang tên "công trái định cư" trong vòng 5 năm, với trị giá tối thiểu 250 nghìn euro. Điều đáng nói là, đối tượng mà loại "công trái định cư" hướng tới chủ yếu là các thương gia Trung Quốc. Trên thực tế, "đề tài" này đã được bàn luận cách đây hơn 2 năm khi Tự do Nhân dân - nhật báo lớn nhất của Hungary - tiết lộ đảng cầm quyền Fidesz muốn trao quyền công dân cho giới thương gia Trung Quốc và mục đích của "thương vụ" được cho là nhằm thu hút nguồn vốn từ việc "bán quốc tịch" để thay cho khoản tín dụng mà Hungary muốn vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Ban đầu "sáng kiến" có lợi đôi đường nói trên tỏ ra có sức thuyết phục và đến cuối năm 2014 Hungary đã bán được 2.213 "công trái định cư". Nhưng mới đây, truyền thông nước này đã phanh phui việc Nhà nước Hungary hầu như không có lợi gì trong vụ việc này, thậm chí có thể thua thiệt. Trong khi đó, một khoản tiền đáng kể đã chảy vào một số công ty có nguồn gốc không rõ ràng, nhiều khả năng là những "tập đoàn lợi ích". Vì, để mua được "công trái định cư", các thương gia ngoại quốc phải thông qua một trong 7 hãng môi giới. Điều kỳ lạ là, hãng môi giới chỉ phải mua "công trái định cư" với giá 220 nghìn euro thay vì 250 nghìn, và sau 5 năm, nhà nước Hungary phải trả cho người mua cũng qua hãng môi giới 250 nghìn euro. Như vậy, có khoản tiền chênh lệch không nhỏ sẽ nằm lại ở két của hãng môi giới. Chưa kể, các hãng môi giới còn đòi thêm những khoản phí mà người muốn định cư không dễ từ chối. Như vậy, các hãng môi giới hầu như không phải làm gì mà vẫn thu được khoản lợi lớn. Trong khi đó, nhà nước Hungary phải vay một khoản tín dụng với lãi suất 2,5% trong 5 năm, tức là cao hơn lãi suất hiện tại 2% mà nước này có thể vay ở bất cứ đâu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình "công trái định cư" quá dễ khi người mua công trái loại này không phải chứng minh kế hoạch đầu tư cũng như sự gắn kết dài hạn với đất nước sở tại như nhiều quốc gia từng yêu cầu. Nghi ngờ "công trái định cư" chỉ nhằm phục vụ lợi ích nhóm đang ngày càng gia tăng tại Hungary. Theo một số tờ báo, trong số 7 hãng môi giới, chỉ có một hãng có trụ sở ở Hungary, còn lại đều ở nước ngoài và có dấu hiệu "hãng ma". Không ai có thể biết được chủ nhân thực sự của chúng, cũng như doanh thu của các hãng này. Điều khiến dân chúng "nổi giận" mấy ngày qua tại Hungary là việc lựa chọn hãng môi giới đều do trưởng nhóm đề xướng "công trái định cư" Rogán Antal nắm giữ. Là một nhân vật có tiếng nói trong đảng cầm quyền Fidesz, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Rogán Antal hầu như có toàn quyền trong chương trình "công trái định cư". Các hãng môi giới đã được lựa chọn chỉ dựa vào ý kiến của ông R.Antal rồi được Ủy ban Kinh tế phê chuẩn trên danh nghĩa.

Theo giới quan sát khu vực, các cuộc biểu tình gần đây cũng như mối ngờ vực xung quanh chương trình "công trái định cư" chưa phải là mối đe dọa trực tiếp với Chính phủ của Thủ tướng V.Orban vì còn lâu mới tới cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Tuy nhiên, uy tín của nhà lãnh đạo 51 tuổi đang có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Kết quả cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đảng Fidesz cầm quyền đã giảm xuống còn 26% so với mức 38% hồi tháng 10 năm ngoái. Nếu không sớm "hạ nhiệt" làn sóng phản đối của dư luận, con đường đi đến hết nhiệm kỳ của Thủ tướng V.Orban sẽ hết sức khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hungary: Cơn thịnh nộ “công trái định cư”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.