Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự đồng lòng - Nhân tố quyết định thành bại

Đình Hiệp| 27/02/2015 06:35

(HNM) - Chiến dịch quân sự quy mô lớn do Mỹ và đồng minh hoạch định nhằm tái chiếm thành phố Mosul, miền Bắc Iraq, từ tay lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dự kiến sẽ khai hỏa trong khoảng 50 ngày tới.


Thông tin về thời điểm khởi sự chiến dịch vừa được quan chức Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ tiết lộ ngay lập tức vấp phải phản ứng từ phía Iraq. Cho rằng việc công khai thông tin về chiến dịch là không thấu đáo, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Al-Obeidi trong một phát biểu mới nhất với các phóng viên tại thủ đô Baghdad khẳng định Iraq có quyền quyết định thời gian cho một chiến dịch như vậy. Theo Bộ trưởng Al-Obeidi, thời gian cụ thể cho chiến dịch tái chiếm Mosul chưa được ấn định và sẽ chỉ được công bố khi công tác chuẩn bị hoàn tất, đồng thời giới chỉ huy quân sự không được phép tiết lộ bí mật cho kẻ thù. Người đứng đầu giới quân sự Iraq cũng lưu ý Mosul sẽ là trận chiến trong thành phố, nơi có nhiều dân thường sinh sống, nên đòi hỏi sự chính xác, kiên nhẫn của các cấp chỉ huy và tham mưu khi lập kế hoạch tác chiến.

Chiến dịch tái chiếm thành phố Mosul do IS chiếm đóng là thách thức lớn với Chính phủ Iraq hiện nay.



Việc quân đội Mỹ công khai lên tiếng về thời điểm một chiến dịch tấn công lớn như Mosul là cực kỳ hiếm thấy. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Mỹ và Iraq bất đồng trong cuộc chiến chống IS. Tháng 11-2014, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Al-Obeidi cũng đã lên tiếng phản đối phương án sử dụng bộ binh nước ngoài tại Iraq trong cuộc chiến chống IS. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sẽ cân nhắc triển khai lực lượng chiến đấu trên mặt đất đến Iraq để chống IS nếu lực lượng này sở hữu vũ khí hạt nhân.

Vì sao Mosul lại có vị trí chiến lược không chỉ với Mỹ và Iraq mà còn với cả IS trong cuộc chiến hiện nay? Là thành phố lớn nhất miền Bắc Iraq với dân số trên một triệu người, Mosul bị IS đánh chiếm từ tháng 6-2014. Đây là thành phố lớn nhất trong cái gọi là "lãnh thổ của vương quốc Hồi giáo" mà IS muốn dựng lên. Trải dài từ Bắc Iraq đến Đông Syria, nắm được Mosul cũng đồng nghĩa với việc IS có được một vùng lãnh thổ quan trọng tạo bàn đạp cho tham vọng "vẽ lại bản đồ thế giới" của tổ chức này.

Theo tướng Lloyd Austin, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, đến nay các lực lượng chống IS do Mỹ đứng đầu đã giành lại được khoảng 700 km2 lãnh thổ từ tay phiến quân IS và tiêu diệt 6.000 tay súng của tổ chức khủng bố này, loại trừ khoảng một nửa số chỉ huy của chúng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng "thành quả" của liên quân do Mỹ đứng đầu và các lực lượng an ninh Iraq trong cuộc chiến chống IS như vậy vẫn là quá nhỏ và chậm chạp. Trước sức ép đó, quân đội Mỹ đã gấp rút hoàn thành các bước chuẩn bị cuối cùng để mở chiến dịch lớn tấn công vào "thành trì" Mosul. Giới quân sự Mỹ ước tính, quân số hiện nay của IS ở Iraq vào khoảng 14.000 người, kiểm soát một vùng rộng lớn ở phía bắc và tây Iraq, trong đó có thành phố Mosul và nhiều thành phố, làng mạc quan trọng khác. Vì thế, không quân Mỹ và liên quân đang tập trung đánh phá tuyến đường tiếp tế giữa thành phố Mosul với sào huyệt của IS ở Syria. Nhiều xe thiết giáp và các vị trí phòng ngự của IS dọc tuyến đường này đã bị tiêu diệt, tạo điều kiện để cô lập, tiến tới tái chiếm Mosul. Các quan chức Mỹ tin rằng, chiến dịch Mosul sẽ thành công vì người dân thành phố sẽ ủng hộ quân đội Iraq chống lại những tay súng IS tàn bạo.

Số liệu thống kê mới nhất từ trung tâm thông tin của Liên hợp quốc (LHQ) tại Tehran cho thấy, IS đã phạm tội ác diệt chủng khi gây ra cái chết của 11.602 dân thường và làm bị thương 21.766 người khác tại Iraq trong năm 2014. Còn theo báo cáo thường kỳ của LHQ, có ít nhất 165 vụ hành quyết tàn bạo đã được thực hiện bởi cái gọi là "tòa án" tại các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của IS trong thời gian nói trên.

Dù liên quân do Mỹ đứng đầu đã có những tiến triển trong chiến dịch chống IS, nhưng phản ứng mới nhất của Baghdad cho thấy, sự đồng lòng trong một cuộc chiến cam go - trước mắt là chiến dịch Mosul - đang trở thành nhân tố quyết định thành bại của cả liên minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự đồng lòng - Nhân tố quyết định thành bại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.