Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Liên minh mới" trên mặt trận cũ

Đình Hiệp| 26/04/2015 05:59

(HNM) - Caberra và Ankara sẽ tăng cường chia sẻ thông tin tình báo nhằm phát hiện cũng như ngăn chặn công dân xứ Chuột túi có ý định băng qua biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thỏa thuận hợp tác quan trọng trên vừa được Thủ tướng Australia Tony Abbott và người đồng cấp Ahmet Davatoglu đạt được trong khuôn khổ chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ nhân kỷ niệm ngày Anzac 25-4 - ngày tưởng nhớ những thành viên của quân đội Australia và New Zealand đổ bộ vào Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến I.

Thủ tướng Tony Abbott (trái) và người đồng cấp Ahmet Davatoglu nhất trí hợp tác chống khủng bố IS.


Lâu nay, tuyến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đã trở thành điểm đến trung chuyển của những kẻ cực đoan muốn gia nhập IS. Trung tâm Chống khủng bố Mỹ mới đây cho biết, trong 3 năm qua đã có khoảng 20.000 người nước ngoài đến các vùng xung đột ở Syria và Iraq để gia nhập IS. Trong đó, các quốc gia phương Tây chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 4.000 người. Australia cũng không phải ngoại lệ khi giới chức an ninh nước này ước tính có khoảng hơn 100 người đã rời bỏ đất nước để gia nhập hoặc ủng hộ IS ở Trung Đông, trong đó có 30 - 40 phụ nữ.

Về mặt lý thuyết, biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phần lãnh thổ mà IS chiếm giữ ở Syria hoàn toàn bị phong tỏa. Song trên thực tế, nhiều người vẫn có thể thuê xe và vượt qua vòng canh gác của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ dễ dàng chỉ với 50 lira (hoặc 20 USD) cho người hướng dẫn. Dù ngăn chặn những người muốn trở thành chiến binh thánh chiến nhập cảnh Syria là một phần quan trọng trong chiến dịch làm suy yếu IS, nhưng biện pháp này thực sự không hiệu quả với Thổ Nhĩ Kỳ suốt 2 năm qua. Dưới sức ép của các đồng minh phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết ngăn chặn những phần tử thánh chiến vượt biên. Theo đó, Ankara đã áp dụng các biện pháp như trục xuất những người khả nghi, hạn chế đi lại ở vùng biên giới, thành lập các đơn vị "phân tích rủi ro" với nhiệm vụ phát hiện những người tình nghi là phần tử cực đoan ngay tại sân bay... Thế nhưng, dù tích cực hợp tác với các cơ quan tình báo phương Tây, nước này vẫn không ngăn chặn hiệu quả dòng người vượt biên trái phép để gia nhập IS. Đặc biệt, làn sóng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng mạnh mẽ hơn sau khi Ankara không phát hiện được 3 thiếu nữ Anh vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tới Syria để gia nhập IS hồi tháng 2 vừa qua.

Với vị trí địa lý nằm tiếp giáp cả hai châu lục Á - Âu, Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố IS của liên minh quốc tế gồm khoảng 60 quốc gia do Mỹ cầm đầu đang tiến hành. Vì thế, mới đây Anh và đến nay là Australia - hai trong số những quốc gia có nhiều người gia nhập IS nhất - lần lượt có những thỏa thuận riêng với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến hết sức cam go này. Theo thỏa thuận mới nhất sau cuộc hội đàm ở Ankara giữa Thủ tướng T.Abbott và người đồng cấp A.Davatoglu, các cuộc đối thoại giữa các cơ quan chống khủng bố của Australia và Thổ Nhĩ Kỳ - được tiến hành lần đầu tiên hồi tháng 11 năm ngoái - sẽ được tổ chức hàng năm kể từ nay trở đi. Với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố IS, hai bên sẽ chia sẻ hồ sơ cá nhân của những người bị cơ quan tình báo Australia tình nghi muốn gia nhập IS. Thủ tướng A.Davatoglu nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt giữ và trục xuất những người Australia có ý định đến Syria để gia nhập các lực lượng cực đoan. Không dừng lại ở đó, hai bên còn nhất trí thúc đẩy một hiệp ước hỗ trợ pháp lý và một bản ghi nhớ về giao trả các tay súng tham chiến ở vùng xung đột.

Sự kiện Australia và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận hình thành "liên minh mới" trong cuộc chiến chống IS diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Istanbul. Với sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ Australia, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, hội nghị năm nay đã ra lời kêu gọi thế giới đoàn kết hơn trên mặt trận chống khủng bố IS vốn đang đe dọa hòa bình thế giới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định: "Để đối phó với các nhóm cực đoan, chúng ta phải hợp tác ở nhiều cấp độ như chính trị, kinh tế và xã hội. Mỗi một quốc gia trên thế giới nên đoàn kết với nhau và chung tay cùng cộng đồng quốc tế diệt trừ các nhóm cực đoan". Với mong muốn đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và giúp huấn luyện cho các lực lượng ở Iraq để đối phó với IS - mối đe dọa mới với thế giới hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Liên minh mới" trên mặt trận cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.