Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy Lạp bên bờ vực phá sản

Quỳnh Dương| 30/05/2015 05:49

(HNM) - Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ lần thứ hai trở thành trung tâm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi các cuộc đàm phán giữa Athens và bộ ba chủ nợ gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) tiếp tục rơi vào bế tắc.


Theo kế hoạch, ngay trong tháng 6 năm nay, Hy Lạp sẽ phải thực hiện 4 nghĩa vụ trả nợ cho IMF với khoảng 1,6 tỷ USD. Tuy nhiên, theo thông báo của Bộ Tài chính Hy Lạp, trong 4 tháng qua, nước này đã phải xoay xở để trả lương công chức, lương hưu và tiền nợ IMF đáo hạn bằng cách sử dụng 14% sản lượng nền kinh tế quốc gia. Đây được xem là thành công đáng kể đối với nền kinh tế đã mất khả năng tiếp cận với thị trường vốn. Tuy nhiên, đó cũng là những đồng tiền cuối cùng trong quốc khố của quốc gia này. Như thế đồng nghĩa với việc Hy Lạp không thể tìm thêm một khoản nào khác để trả số nợ đáo hạn vào tháng tới, trừ phi đạt được thỏa thuận với các chủ nợ để được giải ngân gói cứu trợ cuối cùng trị giá 7,2 tỷ euro.

Mối lo về Hy Lạp bao trùm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7.


Vấn đề ở chỗ, cho đến thời điểm này, Hy Lạp vẫn không chịu nhún nhường trước sức ép của bộ ba chủ nợ với yêu cầu nước này phải có thêm các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tiến hành cải cách về thị trường lao động, hệ thống an sinh xã hội cùng với các mục tiêu tài khóa, chính sách tài khóa. Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras cho rằng thực hiện yêu cầu đó sẽ khiến tình hình của Hy Lạp càng trở nên tồi tệ vì cản trở tiến trình phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế yếu kém nhất Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Nhiều kịch bản đã được vẽ ra cho đất nước có trên 11 triệu dân này nếu đến ngày 5-6 các cuộc đàm phán vẫn không có tiến triển. Theo đó, khi không thể tiếp cận thị trường vốn, hệ thống ngân hàng thương mại Hy Lạp phải phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) trị giá 80 tỷ euro của ECB. Tuy nhiên, nếu nhận thấy các ngân hàng Hy Lạp không đủ khả năng trả nợ hoặc không có thế chấp phù hợp, ECB có thể hạn chế hoặc cắt hoàn toàn ELA. Đáng chú ý, để có thể vay từ nguồn này, các ngân hàng Hy Lạp phải dựa vào trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Vì vậy, khi không thể trả nợ IMF, các thống đốc ngân hàng trong Eurozone có thể kết luận rằng, sự bảo lãnh của Chính phủ Hy Lạp không còn hợp pháp để giúp ngân hàng Hy Lạp rút tiền khẩn cấp. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống ngân hàng Hy Lạp sẽ đổ vỡ, xứ sở Thần thoại sẽ phá sản và buộc phải tách ra khỏi Eurozone, một thảm họa được nhắc tới với thuật ngữ "Grexit".

Nhiều nhà phân tích cho rằng, "Grexit" có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của dự án đồng tiền chung Châu Âu. Nghiêm trọng hơn, hiệu ứng đổ vỡ từ Hy Lạp nhiều khả năng sẽ tạo ra một cơn "địa chấn" mới đối với hệ thống tài chính toàn cầu mà hậu quả của nó sẽ tồi tệ hơn nhiều lần so với những gì đã gây ra cho cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu vào năm 2009. Điều đó khiến ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và một số cố vấn kinh tế cấp cao của Mỹ cũng đứng ngồi không yên trước những diễn biến kinh tế ở quốc gia bên kia bờ Đại Tây Dương. Cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jacob J.Lew lên tiếng cho rằng: "Thật là sai lầm nếu nghĩ rằng sự vỡ nợ của Hy Lạp sẽ không để lại hậu quả lớn đối với các quốc gia khác. Chúng ta còn chưa biết chính xác mức độ ảnh hưởng lớn thế nào nhưng nợ nần của Hy Lạp là vấn đề toàn cầu".

Hy vọng cuối cùng về việc tìm ra lối thoát cho cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ phụ thuộc vào kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển (G7) được tổ chức từ ngày 28 đến 30-5 tại Dresden (Đức). Vì thế, nhiều người cho rằng, "vận mệnh" của Hy Lạp sẽ nằm trong bản tuyên bố chung của hội nghị này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hy Lạp bên bờ vực phá sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.