Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối phó với thách thức mới

Đình Hiệp| 07/06/2015 05:19

(HNM) - Mỹ và Ấn Độ vừa chính thức ký gia hạn thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương thêm 10 năm nữa.

Hai Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Manohar Parrika ký gia hạn thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương thêm 10 năm nữa.


Tuy là chuyến công du đầu tiên của ông Carter tới Ấn Độ trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, song ông chủ Lầu Năm Góc từng hiện diện tại quốc gia Nam Á này trong năm 2012 và 2013 khi còn là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Với giới chức Ấn Độ, ông Carter còn được biết đến là "kiến trúc sư chính" của Sáng kiến thương mại và công nghệ quốc phòng Ấn - Mỹ (DTTI). Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ chính sách coi Ấn Độ là đối tác thân cận nhất trong chương trình chuyển giao công nghệ, cùng phát triển, sản xuất trong lĩnh vực quốc phòng và các cơ chế hợp tác song phương khác.

Trên cơ sở những thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Barack Obama tháng 1 năm nay, cuộc hội đàm tại New Delhi lần này giữa Bộ trưởng Carter và người đồng cấp nước chủ nhà Manohar Parrika đã đề cập đến nhiều biện pháp nhằm tăng cường lợi ích chiến lược và quốc phòng giữa hai nước. Theo đó, hai bên đánh giá lại những tiến bộ đạt được trong việc triển khai 4 dự án "mở đường" trong khuôn khổ DTTI. Đó là việc chuyển giao các bí quyết phát triển và sản xuất chung các thiết bị bay không người lái Aero Vironment RQ-11 Raven, các modun ISR cho 11 máy bay vận tải C-130J của lực lượng không quân Ấn Độ (IAF), xây dựng và phát triển các hệ thống nguồn điện di động (MEHPS) cũng như bộ bảo vệ tích hợp Ensemble Increment-2 chống chiến tranh hạt nhân, chiến tranh sinh học, hóa học. Các quan chức Mỹ cho rằng, việc Bộ trưởng Carter đến thăm tàu khu trục tàng hình lớp Shivalik đa năng và tàu INS Sahyadri do Ấn Độ tự chế tạo tại Bộ Chỉ huy hải quân miền Đông Ấn Độ cho thấy rõ rằng Lầu Năm Góc đánh giá cao tầm quan trọng về chính sách hiện đại hóa hải quân của Ấn Độ.

Việc Ấn Độ - Mỹ ngày càng thắt chặt mối quan hệ trên các lĩnh vực, nhất là quốc phòng được cho là xuất phát từ cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Là một cường quốc tại Nam Á án ngữ cả khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn, Ấn Độ là đối tác cần thiết trong bối cảnh Mỹ triển khai chính sách chuyển trọng tâm sang Châu Á. Bên cạnh đó, những thách thức an ninh nổi lên tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thời gian gần đây cũng thúc đẩy hai quốc gia củng cố quan hệ trên các lĩnh vực. Không phải ngẫu nhiên mà Biển Đông lại trở thành nội dung quan trọng trong nghị trình cuộc gặp giữa Bộ trưởng Carter với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến công du. Trên thực tế vấn đề ổn định khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành trọng tâm ưu tiên với cả Mỹ và Ấn Độ khi hai nước ra tuyên bố tầm nhìn chung trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu năm nay.

Dù không phải là bên liên quan trực tiếp tại Biển Đông nhưng phát biểu của lãnh đạo hai nước cho thấy cả Ấn Độ và Mỹ đều có lợi ích liên quan đến vùng biển chiến lược này. Do đó, nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự, an ninh, nhất là trên các vấn đề liên quan đến biển giữa Mỹ và Ấn Độ được coi là một mắt xích quan trọng trong việc hình thành chuỗi liên kết an ninh nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó lý giải vì sao thời gian qua Ấn Độ và Mỹ cùng tuyên bố ủng hộ quyền tự do hàng hải, an toàn hàng không ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên liên quan phải kiềm chế không được làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Sau hơn một năm lên cầm quyền, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đang tạo nên những thay đổi quan trọng trong chính sách quốc phòng của Ấn Độ. Chính sách này đã chấm dứt tình trạng tê liệt trong tiến trình mua sắm vũ khí và tập trung lớn hơn vào việc tạo nên một căn cứ công nghiệp quốc phòng tại Ấn Độ. Chính sách quốc phòng mới còn khuyến khích sự tham gia của tư nhân và thu hút vốn đầu tư của nước ngoài để sản xuất thiết bị quốc phòng tại Ấn Độ. Sáng kiến DTTI với Mỹ được xem là bước đi quan trọng của Ấn Độ trong nỗ lực ứng phó với các thách thức an ninh mới của khu vực. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, với hướng tiếp cận thiên về hành động của Bộ trưởng Carter, kết hợp với năng lực chính phủ của Thủ tướng N.Modi sẽ giúp chính quyền Tổng thống B.Obama triển khai quan hệ với Ấn Độ hiệu quả hơn trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối phó với thách thức mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.