Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày chủ nhật định mệnh

Phương Quỳnh| 05/07/2015 06:57

(HNM) - Hôm nay 5-7, người dân Hy Lạp tham gia cuộc bỏ phiếu về kế hoạch

Cuộc trưng cầu dân ý này không chỉ quyết định tương lai của Hy Lạp trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) mà còn là một động thái có ảnh hưởng lớn tới tiến trình phục hồi của Cựu lục địa sau một thời gian dài chìm trong khủng hoảng.

Tương lai của Hy Lạp trong Eurozone sẽ được quyết định trong ngày 5-7.


Quyết định bất ngờ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras về cuộc trưng cầu dân ý đã dội "một gáo nước lạnh" vào nỗ lực của bộ ba chủ nợ nhằm thuyết phục nước này chấp nhận các biện pháp cải cách để bảo đảm khả năng chi trả trong thời gian tới. Theo nhiều nhà phân tích, với việc triển khai cuộc trưng cầu dân ý, Chính phủ của Thủ tướng A.Tsipras đã bắn đi một mũi tên hướng tới nhiều mục đích: Bên cạnh việc chuyển trách nhiệm quyết định vận mệnh của đất nước sang phía các cử tri, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc nhiều người dân Hy Lạp bỏ phiếu chống sẽ tăng ưu thế của Athens trên bàn đàm phán bởi cho đến thời điểm này, sự ra đi của xứ sở Các vị thần khỏi Eurozone, hay còn gọi là Grexit, vẫn được coi như chuyện "bần cùng bất đắc dĩ". Mặc dù chỉ đóng góp chưa đầy 2% cho GDP của Eurozone, song sự ra đi của Athens không chỉ tạo tiền lệ xấu đối với khu vực mà còn xóa tan mọi nỗ lực vực dậy niềm tin cho thị trường tài chính không chỉ tại Châu Âu mà còn ở cấp độ toàn cầu. Vì vậy, cách đây một ngày, Bộ trưởng Tài chính các nước Châu Âu đã đề cập khả năng bàn bạc thêm về một gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp, ngay cả khi người dân nước này bỏ phiếu chống. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu - Donald Tusk còn cho rằng khu vực này có thể sẽ phải làm quen với viễn cảnh Hy Lạp vỡ nợ những vẫn ở lại khối Eurozone.

Trên thực tế, bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có nhiều chuyên gia kinh tế tỏ ra đồng tình với quyết định của Chính phủ Hy Lạp. Bất chấp chính sách khắc khổ đã được áp dụng suốt 5 năm qua, hiện nợ quốc gia của nước này đã lên tới 180% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Phải nhiều lần cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, số lượng viên chức chính phủ đã giảm hơn 25%, cuộc sống của người dân đã tới mức cùng cực không thể cắt giảm thêm mà nền kinh tế Hy Lạp vẫn sụp đổ. Các nhà kinh tế cho rằng, sở dĩ có chuyện này là vì chính sách "thắt lưng, buộc bụng" chỉ thành công ở những nước có thể kiềm chế thâm hụt ngân sách mà không rơi vào trạng thái suy thoái.

Hiện tại, theo kết quả thăm dò dư luận do Hãng tin tài chính Bloomberg tiến hành, có 43% số người được hỏi khước từ yêu cầu từ phía chủ nợ để đổi lấy viện trợ, trong khi có 42,5% ngỏ ý chấp thuận. Kết quả tương tự cũng được chỉ ra từ một bản khảo sát khác của hãng nghiên cứu Ipsos, với tỷ lệ phiếu thuận 44% và phiếu chống 43%. Đây là một con số khá sít sao trong khi lại xuất hiện những dự đoán rằng khả năng Grexit đã lên tới trên 80%. Dẫu sao, câu trả lời cuối cùng sẽ chỉ có sau "ngày chủ nhật định mệnh". Hy Lạp sẽ bước ra khỏi Eurozone và Châu Âu sẽ bắt đầu một chương mới đầy phức tạp về kinh tế hay "bệnh nhân đầu tiên" của căn bệnh nợ công sẽ tiếp tục nhận được sự trợ giúp để tồn tại và giữ gìn sự toàn vẹn của Eurozone? Cho dù kết quả là thế nào thì một điều rõ ràng là cuộc khủng hoảng Hy Lạp vẫn là một vấn đề gây nhức nhối Cựu lục địa khi việc nước này đi hay ở đều được đánh đổi bằng những cái giá không hề rẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày chủ nhật định mệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.