Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chứng khoán toàn cầu lại náo động vì Trung Quốc

Theo NGUYỆT PHƯƠNG/Tuổi trẻ| 02/09/2015 10:41

Trong phiên giao dịch hôm qua 1-9 (rạng sáng nay 2-9 giờ VN), thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu tiếp tục chao đảo vì tin tức kinh tế tiêu cực từ Trung Quốc. Giá dầu cũng lại giảm mạnh.


Theo AFP, tại Phố Wall giá chứng khoán Mỹ giảm gần 3%. Trong đó chỉ số Dow Jones hạ 2,84%, Nasdaq 2,94% và S&P 500 2,96%. Chỉ số “bất ổn” CBOE tăng 10,45% lên 31,40 điểm, vượt xa mức trung bình dài hạn 20 điểm. Ở châu Âu, chỉ số chứng khoán FTSEurofirst cũng sụt 2,8%.

Sàn giao dịch chứng khoán New York lại trải qua một phiên giao dịch ảm đạm Ảnh: Reuters



Mở màn phiên giao dịch sáng nay, giá chứng khoán châu Á cũng sụt giảm. Chỉ số Nikkei trên thị trường Tokyo (Nhật) hạ 1,67%, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không tính Nhật) cũng sụt 0,4%.

Thị trường dầu thô cũng lao đao sau một khoảng thời gian ngắn ngủi tăng trưởng trở lại. Tại sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 10 giảm 2,2% xuống còn 44,4 USD/thùng. Ở Anh, giá dầu Brent biển Bắc sụt 1,7% xuống còn 48,74 USD/thùng.

Báo Financial Times dẫn lời nhà phân tích Pierre Andurand, giám đốc quỹ đầu tư Andurand Capital dự báo giá dầu có thể giảm xuống dưới 30 USD/thùng trong thời gian tới. “Tôi tin giá dầu sẽ hạ xuống mức 25 USD/thùng trong hai năm tới” - chuyên gia Andurand cho biết.

Hôm qua, thị trường chứng khoán Trung Quốc và châu Á lại rơi vào cảnh ảm đạm sau khi Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ đạt mức 49,7 điểm, thấp nhất kể từ tháng 8-2012. Các chuyên gia khẳng định nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang suy yếu và chưa chạm đáy.

Mối lo ngại tình trạng sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy yếu, kéo theo kinh tế toàn cầu sụt giảm càng lan rộng. Mới đây, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christie Lagarde cho biết kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng thấp hơn mức 3,3% mà IMF dự báo hai tháng trước đây.

Bà Lagarde cảnh báo các nền kinh tế mới nổi “cần cẩn trọng xử lý tác động từ việc kinh tế Trung Quốc hụt hơi và các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt”.

Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo nội dung chính của cuộc họp các bộ trưởng kinh tế G-20 ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) tuần này là hành động để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và kêu gọi Bắc Kinh chấn chỉnh chính sách để hỗ trợ thị trường và nền kinh tế nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chứng khoán toàn cầu lại náo động vì Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.