Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề người nhập cư: Khủng hoảng và bế tắc

Phương Chi| 05/09/2015 06:33

(HNM) - Càng ngày, cuộc khủng hoảng người di cư tại Châu Âu càng có những bước leo thang nghiêm trọng khi con số người tị nạn liên tục tăng lên theo cấp số nhân tại các quốc gia được cho là


Trong lúc các nhà lãnh đạo Cựu lục địa vẫn còn lúng túng với giải pháp triệt để cho vấn nạn này thì câu chuyện về hàng nghìn cái chết thương tâm, hình ảnh vạ vật màn trời chiếu đất của dòng người di cư bất hợp pháp đã khiến dư luận bàng hoàng.

Hàng nghìn người từ Trung Đông, Châu Phi vẫn vượt Địa Trung Hải tới Châu Âu.



Theo các nguồn tin mới nhất từ nhà chức trách Liên minh Châu Âu (EU), chỉ trong hai ngày qua, hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Italia, các tàu của Tổ chức Bác sĩ không biên giới và một số tàu của Cơ quan kiểm soát biên giới (Frontex) đã giải cứu được gần 3.000 người di cư trôi dạt trên biển trên hàng chục con tàu đang hướng về phía các cảng của đất nước hình chiếc ủng. Đây là đợt giải cứu số người di cư lớn nhất từ trước tới nay của các lực lượng cứu hộ. Hầu hết số người này đến từ Syria, Eritrea, Afghanistan, Somalia, Gambia và Nigeria. Ước tính, trong vài ngày tới, còn có khoảng 20.000 người di cư nữa tới Italia bằng đường biển. Thực trạng này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nước thành viên EU, đặc biệt là Italia, trong nỗ lực tìm kiếm chỗ nương thân cho những người nhập cư trong khi các trại tị nạn đã trở nên quá tải.

Trước tình hình nói trên, ngày 4-9, tại Luxembourg, ngoại trưởng các nước EU đã triển khai cuộc họp không chính thức để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang làm chao đảo Lục địa già. Hai thành viên trụ cột của EU là Pháp và Đức đã nhất trí cần áp đặt ngay lập tức hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người di cư đối với các quốc gia thành viên nhằm chia sẻ gánh nặng này. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề gây chia rẽ trong nội bộ EU từ nhiều tháng nay. Hiện tại các quốc gia trong "ngôi nhà chung 28 thành viên" vẫn xử lý tình trạng người nhập cư trái phép theo phương thức "mạnh ai, nấy làm". Ngày 4-9, chính quyền Hungary - đất nước đang trở thành điểm "nóng" về tình trạng người nhập cư trái phép từ vùng Tây Balkan cho biết, Budapest có kế hoạch triển khai quân đội tại biên giới phía Nam giáp Serbia để đối phó với làn sóng người di cư ồ ạt và trấn áp những kẻ buôn người. Điều này sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý mới nghiêm ngặt hơn ở khu vực biên giới.

Trước đó, Hungary đã hoàn tất một hàng rào cao 4m dọc biên giới kéo dài 175km với Serbia. Chính phủ Anh gần đây cũng chi 10 triệu USD để dựng lên hai hàng rào dây thép gai bao quanh nhà ga xe lửa Eurotunnel để ngăn người di cư vượt qua đường hầm Channel vào Anh. Các hàng rào biên giới tương tự cũng đã được dựng lên ở Hy Lạp và Tây Ban Nha. Thế nhưng, những bức tường trên dường như chỉ mang tính biểu tượng vì hiệu quả của chúng chỉ ở mức tương đối. Rõ ràng, nó không làm thay đổi được nguyên nhân sâu xa của làn sóng người nhập cư. Việc dựng lên các chướng ngại vật, tăng cường lính gác tại khu vực biên giới hay bỏ tù những người vi phạm vẫn không dập tắt được quyết tâm của những người di cư - những người buộc phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh, loạn lạc hay khó khăn.

Những thảm cảnh hằng ngày xảy ra trên Địa Trung Hải đã và đang chứng minh rằng biện pháp đó sẽ không thể thành công. Mọi hy vọng hiện giờ đang hướng về hội nghị khẩn cấp các bộ trưởng nội vụ và tư pháp của EU sẽ diễn ra vào ngày 14-9 tới. Tuy nhiên, nếu các cuộc thảo luận về tình trạng người nhập cư trái phép không đưa ra được những kết quả cụ thể, tình trạng bế tắc hiện nay có thể biến mỗi quốc gia thành viên EU trở thành một "pháo đài". Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách đồng nhất, đe dọa sự tồn tại của Hiệp định tự do đi lại Schengen - niềm tự hào bấy lâu nay của EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề người nhập cư: Khủng hoảng và bế tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.