Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70

An Hy| 03/10/2015 18:14

(HNMO) – Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70 diễn ra từ ngày 28/9 đến ngày 3/10 tại trụ sở ở New York (Mỹ) với sự tham dự của 193 quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế là sự kiện chính trị nổi bật được cả thế giới quan tâm trong tuần qua.

Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70 diễn ra từ ngày 28/9 đến ngày 3/10 tại trụ sở ở New York (Mỹ). Ảnh: Indianexpress


Kỳ họp diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc, được đánh giá là sự kiện chính trị quốc tế lớn chưa từng có bởi số lượng, tính chất phức tạp và tầm quan trọng của các vấn đề được bàn thảo. Cùng điểm lại những dấu ấn nổi bật nhất trong phiên họp năm nay.

Các mục tiêu phát triển bền vững 2030

Năm nay sẽ là năm kết thúc những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ được đưa ra trong Hội nghị cấp cao năm 2000 của Liên hợp quốc. Tại kỳ họp, các đại biểu đã chính thức thông qua Chương trình nghị sự phát triển bền vững toàn cầu năm 2030 bao gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững, thay thế cho 8 mục tiêu của giai đoạn 2000-2015.

17 mục tiêu nhằm đạt được ba thành tựu “phi thường”, đó là chấm dứt đói nghèo, đấu tranh với tình trạng bất bình đẳng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình đề ra những mốc thời gian cụ thể như 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực ở tất cả mọi nơi trên Trái đất; 800 tuần để giúp 800 triệu người thoát khỏi nghèo đói. Trong vòng 15 năm tới, các chính phủ và tổ chức sẽ tăng gấp đôi những nỗ lực để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người dân trên hành tinh, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới và nay, cộng đồng quốc tế kỳ vọng 15 mục tiêu phát triển bền vững sẽ làm được nhiều hơn thế.

Khủng hoảng Syria

Là nhân tố gây bất ổn cho tình hình an ninh khu vực Trung Đông, đồng thời khiến cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu ngày càng trầm trọng, cuộc nội chiến căng thẳng ở Syria đã trở thành chủ đề nóng bỏng nhất tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay. Trong bài phát biểu của mình, lãnh đạo các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn, đều đề cập đến vấn đề này, đồng thời thể hiện mong muốn nhanh chóng tìm ra giải pháp để chấm dứt tình trạng xung đột ở Syria.

Trong phiên khai mạc của kỳ họp (28/9), mặc dù thể hiện thiện chí sẵn sàng hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho thấy bất đồng sâu sắc giữa hai cường quốc Nga-Mỹ về vấn đề này.

Nếu như Tổng thống Putin coi việc từ chối hợp tác với quân đội Syria trong cuộc chiến chống khủng bố là một sai lầm lớn thì Tổng thống Obama lại kêu gọi thúc đẩy “một tiến trình chuyển tiếp có kiểm soát” tại Syria mà không có Tổng thống đương nhiệm Bashar Al-Assad.

Liên minh châu Âu (EU) trong ngày tranh luận thứ 5 của kỳ họp (2/10) cũng nêu quan điểm về cuộc nội chiến ở Syria. Các nước châu Âu kêu gọi cần sớm chấm dứt xung đột tại quốc gia Trung Đông, coi đây là giải pháp tối ưu giúp ngăn chặn dòng người di cư từ Syria đổ về lục địa già. Để làm được như vậy, cộng đồng quốc tế cần bắt đầu một giai đoạn mới tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria với sự tham gia của tất cả các bên. Về vai trò của Tổng thông Bashar al-Assad, các nước phương Tây đã điều chỉnh cách tiếp cận khi không còn coi sự ra đi của ông Assad là điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Như vậy, mặc dù còn nhiều bất đồng nhưng nhìn chung, các nhà lãnh đạo đều nhất trí rằng, ông Assad có thể tiếp tục cầm quyền trong một thời gian ngắn nữa khi Syria tiến hành một tiến trình chuyển tiếp hòa bình, tiến trình này cũng cần có sự tham gia của Nga.

Khủng hoảng nhập cư

Không chỉ nội chiến ở Syria mà cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu, vốn được coi là hệ quả của vấn đề này cũng là một trong những đề tài nổi cộm tại kỳ họp. Đã có thêm nhiều cam kết và kêu gọi được đưa ra tại diễn đàn chính trị hội tụ đông đủ tiếng nói nhất thế giới, nhưng những bất đồng của châu Âu về khủng hoảng nhập cư vẫn chưa thể hóa giải.

Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 29/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết cấp khoản viện trợ hơn 1,5 tỷ USD, trong đó hơn một nửa để giúp đỡ những người tị nạn Syria và Iraq, tăng gấp 3 lần so với viện trợ mà Nhật Bản đưa ra hồi năm ngoái, và phần còn lại là để ủng hộ những nỗ lực kiến tạo hòa bình ở Trung Đông và châu Phi.

Trong khi đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cùng một số quốc gia châu Âu và vùng Vịnh cũng cam kết chi 1,8 tỷ USD cho công tác hỗ trợ người tị nạn của Liên hợp quốc. Đây là sáng kiến dẫn đầu bởi Đức, nước được coi là điểm đến của những người tị nạn Syria tại châu Âu. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, riêng nước này đóng góp đến 100 triệu euro.

Tuy nhiên, bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto vẫn bảo vệ kế hoạch của nước này về việc xây hàng rào dọc biên giới để kiểm soát làn sóng người nhập cư đi qua đây. Ông Szijjarto cho rằng, hàng rào này là để bảo vệ Liên minh châu Âu: “Đây không phải là một cuộc khủng hoảng người tị nạn mà là một cuộc khủng hoảng người nhập cư. Tôi cho rằng, làn sóng này bao gồm cả những người di cư vì mục đích kinh tế và có thể không may bao gồm cả những tay súng nước ngoài".

Có thể thấy, những bất đồng trên khiến nỗ lực tìm kiếm giải pháp đối với cuộc khủng hoảng nhập cư của các quốc gia châu Âu đến thời điểm này vẫn chưa thể tiến xa hơn việc viện trợ tiền bạc.

Palestine lần đầu thượng cờ tại Liên hợp quốc

Ngày 30/9, lần đầu tiên lá cờ của Nhà nước Palestine đã tung bay bên ngoài trụ sở của Liên hợp quốc. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon gọi sự kiện này là "ngày tự hào đối với người dân Palestine trên toàn thế giới" và là "ngày của hy vọng". Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Giờ là lúc phải khôi phục lòng tin của cả người dân Palestine lẫn người dân Israel vào một giải pháp hòa bình để hiện thực hóa giấc mơ hai nhà nước cho hai dân tộc".

Việc 119 nước thành viên ủng hộ cờ của người dân Palestine được treo tại trụ sở Liên hợp quốc cho thấy nhân dân Palestine không đơn độc trong công cuộc tìm kiếm hòa bình đích thực. Trong bài phát biểu trước lễ thượng cờ, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đề nghị Liên hợp quốc chấp nhận Palestine làm thành viên đầy đủ và khẳng định rằng Palestine xứng đáng được công nhận như vậy.

Đối với người Palestine, đây là một bước tiến khẳng định sự hiện diện của họ trên trường quốc tế. Palestine đã chờ đợi 67 năm để được công nhận là một quốc gia thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Nước này đã được coi là một nhà nước phi thành viên của Liên hợp quốc kể từ năm 2012.

Tựu chung lại, mặc dù còn tồn tại những bất đồng giữa các thành viên, nhưng Liên hợp quốc - ngôi nhà chung của gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới - hiện vẫn là tổ chức đa phương đầu tiên lớn nhất, có ảnh hưởng nhất đến đời sống quốc tế.

Trong suốt 70 năm qua, Liên hợp quốc đã luôn nỗ lực trong việc duy trì hòa bình và đảm bảo an ninh thế giới, thúc đẩy đời sống quốc tế trên mọi lĩnh vực. Sau những cuộc cạnh tranh và xung đột khốc liệt, đây vẫn là nơi để các quốc gia gặp gỡ, đối thoại và thúc đẩy hòa bình đa phương. Do đó, cộng đồng quốc tế vẫn luôn kỳ vọng Liên hợp quốc sẽ góp phần đáng kể vào việc giải quyết những vấn đề cấp bách của thế giới trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.