Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không tăng 2 độ C - thách thức toàn cầu

Đình Hiệp| 30/11/2015 06:34

(HNM) - Hôm nay 30-11 mới chính thức diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) tại thủ đô Paris, thế nhưng suốt 24 giờ qua nước chủ nhà Pháp đã có nhiều cuộc họp quan trọng để chuẩn bị cho sự kiện này.

Với sự góp mặt của khoảng 80 nguyên thủ trong tổng số đại diện đến từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, COP 21 làm dấy lên kỳ vọng một hiệp định quốc tế về chống biến đổi khí hậu sẽ được ký kết (có hiệu lực từ năm 2020) nhằm giới hạn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI.

Người biểu tình xuống đường kêu gọi thế giới chống biến đổi khí hậu.



Những ngày qua hàng chục nghìn người trên khắp thế giới đã xuống đường biểu tình đòi các nhà lãnh đạo phải có biện pháp hữu hiệu chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu. Với những khẩu hiệu như "Vì một thế giới sạch và công bằng", "Hãy cứu lấy hành tinh của chúng ta", người biểu tình trên nhiều đường phố Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á... đang hối thúc các nhà lãnh đạo dự COP 21 đạt được một thỏa thuận toàn diện về chống biến đổi khí hậu, cứu "hành tinh xanh" thoát khỏi những thảm họa khó lường.

Báo cáo về hậu quả của biến đổi khí hậu do Liên hợp quốc công bố trước thềm COP 21 cho thấy, thiên tai do biến đổi khí hậu đã cướp đi mạng sống của 606.000 người trong 20 năm qua. Đa số trường hợp tử vong (chiếm 89%) xảy ra tại các nước có thu nhập thấp. Từ năm 1995 đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra đã lên tới 1,9 tỷ USD; hơn 4,1 tỷ người bị ảnh hưởng, trở thành những người vô gia cư hay cần cứu trợ khẩn cấp. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (OMM), các năm từ 2011 đến 2015 được ghi nhận là 5 năm nóng nhất từ trước đến nay, với nhiều vụ thiên tai nghiêm trọng, đặc biệt là các đợt nóng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, COP 21 (từ ngày 30-11 đến 11-12) tại Paris là cơ hội để thế giới chung sức ngăn chặn những thảm họa đã được dự báo. Mục đích của COP 21 là đi tới một thỏa thuận toàn cầu nhằm hạn chế tăng nhiệt độ (ở mức 2 độ C) để tránh những tác hại không thể đảo ngược được với hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có gì cho thấy COP 21 sẽ thành công khi mới có 178 quốc gia, chiếm hơn 90% lượng khí phát thải toàn cầu, công bố cam kết giảm khí thải. Cộng đồng quốc tế cũng đang chạy đua để tìm nguồn tài trợ 100 tỷ USD/năm hỗ trợ các nước chậm phát triển giảm khí thải làm nóng Trái đất. Với tư cách chủ nhà COP 21, Pháp đã nhiều lần khẳng định có đủ 100 tỷ USD cam kết trợ giúp các nước nghèo là điều kiện quyết định cho thành công của COP 21. Thế nhưng, đến nay mức cam kết đóng góp của các nước giàu mới chỉ là hơn 75 tỷ USD. 25 tỷ USD còn lại là một "khoảng cách" lớn chưa thể lấp đầy.

Một vấn đề nữa dự báo gây tranh cãi tại COP 21 là tính ràng buộc của thỏa thuận về khí hậu. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, thỏa thuận "chắc chắn không phải là một hiệp ước, do đó sẽ không có ràng buộc pháp lý về việc giảm phát thải khí như trường hợp của Nghị định thư Kyoto năm 1997". Nước Mỹ đã từ chối phê chuẩn Nghị định thư đó bất chấp sự chỉ trích của nhiều quốc gia. Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia thải ra hơn 2/5 tổng lượng khí thải CO2 của toàn thế giới. Thế nhưng, ngay cả khi Trung Quốc giới hạn lượng khí thải thì vẫn còn các nước đang làm gia tăng lượng khí thải như Ấn Độ. Nếu Ấn Độ vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch của họ, thế giới sẽ khó đạt được mục tiêu ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu tại ngưỡng 2 độ C, mức mà nhiều nhà khoa học cho rằng nếu vượt quá, hàng loạt vụ thiên tai thảm khốc chắc chắn sẽ xảy ra.

Diễn ra vào thời điểm bóng ma khủng bố vẫn bao trùm sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện hàng loạt vụ tấn công đẫm máu tại Paris (ngày 13-11), nước Pháp được đặt trong tình trạng an ninh cao nhất. Để đón tiếp khoảng 40.000 đại biểu cũng như du khách trong điều kiện an ninh thắt chặt, nước Pháp đã triển khai gần 11.000 cảnh sát, trong đó 8.000 cảnh sát và hiến binh được điều tới các trạm kiểm soát biên giới. Với những nỗ lực không mệt mỏi của nước chủ nhà, thế giới đang trông đợi các nhà lãnh đạo toàn cầu tham dự COP 21 sẽ đạt được thỏa thuận tích cực nhất, đủ để cứu hành tinh của chúng ta trước khi quá muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không tăng 2 độ C - thách thức toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.