Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh EU: Chưa tìm được tiếng nói chung

Thùy Dương| 20/12/2015 06:03

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) đã kết thúc một năm không mấy vui với những chia rẽ và mâu thuẫn trong giải quyết các vấn đề nội khối.


Diễn ra trong hai ngày 17, 18-12 tại thủ đô Brussels (Bỉ), cuộc họp cuối cùng trong năm 2015 của các lãnh đạo Lục địa già tập trung vào cuộc khủng hoảng di cư và kiến nghị của Anh yêu cầu cải cách EU. Người đứng đầu Chính phủ Anh đã nêu 4 đề xuất cải cách cho giới lãnh đạo EU bao gồm: Bảo vệ thị trường chung cho Anh và các nước thành viên EU khác nằm ngoài Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), nâng cao khả năng cạnh tranh giữa các nước thành viên EU, mở rộng quyền hạn cho Quốc hội các nước thành viên trong quá trình xây dựng luật tại Nghị viện Châu Âu (EP) và thắt chặt luật nhập cư. Anh muốn đạt được một thỏa thuận mới với các đối tác EU dựa trên những kiến nghị cải cách này trước khi cử tri Anh tham gia cuộc trưng cầu ý dân dự kiến cuối năm 2017 để quyết định có tiếp tục là thành viên EU nữa hay không.

Tuy nhiên, yêu cầu này của Anh đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của không ít nước thành viên EU. Pháp cùng một số nước gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary trong một tuyên bố chung đưa ra tại hội nghị đã nhấn mạnh rằng, họ đang cân nhắc đề xuất của Anh song sẽ không ủng hộ bất cứ giải pháp nào giới hạn hoặc có thành kiến liên quan đến sự dịch chuyển một số các giá trị cơ bản của EU. Một trong số bất đồng lớn nhất trong các cuộc đàm phán giữa London và các nước thành viên EU là yêu cầu của Thủ tướng D.Cameron giảm phúc lợi đối với người di cư, vốn được nhà lãnh đạo xứ Sương mù xem là biện pháp nhằm ngăn chặn người nhập cư từ các quốc gia EU vào Anh.

EU chưa tìm được giải pháp cho vấn đề người di cư.


Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, những đề xuất này có thể làm ảnh hưởng tới các "quyền tự do cơ bản trong thị trường nội bộ EU" và thậm chí là "phân biệt đối xử trực tiếp giữa các công dân EU". Bất kỳ sự hạn chế nào đối với việc tiếp cận phúc lợi xã hội của công dân EU di cư trong vòng 4 năm đầu tiên và việc ngăn cản họ xin phúc lợi xã hội cho con cái với lý do đang sinh sống ở nước ngoài là sự phân biệt đối xử và do đó vi phạm các quy định của EU.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa nước Anh và EU hết sức đặc biệt. Vương quốc Anh có lợi từ thị trường nội địa Châu Âu và cũng đóng góp cho thị trường này. Giới kinh doanh ở trung tâm tài chính London đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ EU. Thế nên kịch bản Anh rời khỏi EU sẽ gây ra một tác động lớn đối với nền kinh tế của khối cũng như những ảnh hưởng tiêu cực về chính trị. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của EU chưa thể đồng tình với những kiến nghị cải tổ của Anh bởi họ lo ngại rằng điều này có thể sẽ châm ngòi cho làn sóng "đòi hỏi" từ các nước thành viên khác.

Bên cạnh những đề nghị cải cách EU của London thì vấn đề khủng hoảng di cư đã được bàn thảo sôi nổi và nhận được những ý kiến trái chiều từ nội bộ các nước thành viên EU. Hiện tại, EU vẫn chưa thể giải quyết lượng người di cư trong khu vực khi chỉ có khoảng 200 người được tái định cư trên tổng số hơn 160.000 người di cư đang tràn ra khắp châu lục này. Những bất đồng lớn hơn nổi lên sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel mở cửa biên giới Đức cho người tị nạn, gây tình trạng mắc kẹt tại các nước trung chuyển, buộc một số nước cảnh báo khả năng dừng các quy tắc Schengen và tái khởi động các chốt kiểm tra biên giới.

Trong khi đó, thỏa thuận trị giá 3,2 tỷ USD giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ trước đó để tìm nơi ở cho hơn 2 triệu người di cư Syria đang mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đạt được kết quả khả quan khi Ankara nhiều lần bị cáo buộc là không thể thu xếp ổn thỏa hay gây sức ép khiến người tị nạn phải rời bỏ quốc gia này. Rõ ràng, dòng người di cư đã và đang tràn về Châu Âu ào ạt từ bên kia bờ Địa Trung Hải, chủ yếu từ khu vực Trung Đông, Bắc Phi, nhất là Syria, khiến cho các nước EU xoay sở không kịp. Vấn đề ở đây chủ yếu là lợi ích của từng nước thành viên của khối. Thế nên, trong cuộc họp cuối cùng của năm, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí ấn định hạn chót là ngày 30-6-2016, phải thông qua việc thành lập một cơ quan bảo vệ biên giới trên biển và trên bộ chung của khối nhằm đối phó với dòng người di cư từ ngoài liên minh.

Có thể thấy, Châu Âu đã trải qua một năm đầy biến động và khủng hoảng từ vấn đề di cư, khủng bố đến việc phải đối mặt thêm sức ép từ nguy cơ Anh rời bỏ Châu Âu. Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt từng phải thốt lên rằng những cuộc khủng hoảng hiện nay đang đe dọa nghiền nát trái tim Châu Âu và trọng tâm của kế hoạch xây dựng một Châu Âu thống nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh EU: Chưa tìm được tiếng nói chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.