Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường chứng khoán Trung Quốc: Hoảng loạn và bất an

Phương Quỳnh| 09/01/2016 06:33

(HNM) - Phiên giao dịch ngày 7-1 đã đi vào lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc khi phải đóng cửa chỉ sau vỏn vẹn có 30 phút hoạt động.



Cú "sập sàn" khiến các nhà đầu tư choáng váng này một lần nữa châm ngòi cho làn sóng bán tháo cổ phiếu đầy lo ngại buộc Bắc Kinh phải áp dụng các cơ chế đặc biệt nhằm tránh "cú sốc" tương tự như đã xảy ra hồi giữa năm 2015.

Chứng khoán Trung Quốc biến động khó lường suốt năm qua khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang.


Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần, chứng khoán Trung Quốc sụt giảm tới 7% và được xem sự sụp đổ nhỏ của TTCK quốc gia đông dân nhất thế giới, đưa chỉ số trên sàn giao dịch Thượng Hải về cận ngưỡng nguy hiểm 3.000 điểm, tức về gần tới mức thấp nhất trong đợt sụt giảm giữa năm 2015. Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ sau bốn phiên đầu năm 2016, TTCK Trung Quốc đã mất trên 10% và xóa sạch những nỗ lực hồi phục kể từ sau sự "sụp đổ" của thị trường trong vòng 6 tháng qua.

Đây là một dấu hiệu bất thường, bởi trong những ngày cuối năm 2015 và đầu năm 2016, các chỉ số của nền kinh tế Trung Quốc cơ bản ổn định, ngoại trừ có yếu tố tác động từ tình hình khủng hoảng chính trị tại Trung Đông giữa Iran - Saudi Arabia và tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Theo các nhà phân tích, phiên giao dịch ngày 7-1 cho thấy, nhà đầu tư và thị trường vẫn hoài nghi về "sức khỏe" của nền kinh tế Trung Quốc cũng như tính ổn định của đồng nhân dân tệ. Hiện tại, điều giới đầu tư quan tâm là Bắc Kinh sẽ điều hành TTCK thế nào, sau nhiều phiên tăng nóng và lao dốc suốt 12 tháng qua.

Phản ứng trước diễn biến xấu này, ngày 8-1, Trung Quốc đã phải bỏ cơ chế ngắt giao dịch tự động, chịu đầu hàng trước làn sóng chỉ trích ngày càng nặng nề. Theo cơ chế có hiệu lực từ ngày 1-1 này, nếu chỉ số phản ánh hoạt động của hai TTCK Thượng Hải và Thâm Quyến Hushen 300 mất 5%, thị trường sẽ ngừng 15 phút. Và nếu mức giảm lên 7%, chứng khoán Trung Quốc sẽ đóng cửa cả ngày. Giới phân tích cho rằng, cơ chế này đã phản tác dụng. Việc lựa chọn mức giảm 7% là mức "chốt" để hệ thống tự động ngừng giao dịch một mặt có thể giúp thị trường khỏi sụp đổ trong trường hợp quá hoảng loạn. Nhưng ở khía cạnh khác, nó làm nhà đầu tư thêm lo lắng và có thể dẫn tới những quyết định "tháo chạy" trong các phiên tiếp theo khi họ cảm thấy không bán được cổ phiếu. Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng biên độ 7% là quá hẹp.

Mặt khác, chính phủ, nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng hết mức để tránh những cú sốc chứng khoán và đã đưa ra các biện pháp mới như gia hạn lệnh cấm các nhà đầu tư lớn nắm từ 5% cổ phiếu các công ty niêm yết không được bán cổ phiếu, tạm ngừng IPO các doanh nghiệp mới… Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, nếu thường xuyên thay đổi các quy định hay luật lệ lại gây ra những tác động tiêu cực bởi nhà đầu tư sẽ có xu hướng rời bỏ các thị trường thiếu ổn định để tìm đến những nơi có tính an toàn cao hơn. Bên cạnh đó, việc cấm các nhà đầu tư lớn bán cổ phiếu được cho là một biện pháp phi thị trường.

Để ổn định nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc cũng đã đưa ra các chương trình kích thích kinh tế, bơm tiền ra thị trường, tăng tín dụng cho thị trường bất động sản... Nhưng vấn đề lớn đối với Bắc Kinh hiện nay lại nằm trong việc làm sao cơ cấu lại hệ thống các doanh nghiệp nhà nước đang chiếm nguồn lực lớn nhưng làm ăn không hiệu quả và nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đang muốn đem tiền ra nước ngoài thay vì đầu tư trong nước. Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang tính tới việc tiếp tục cắt giảm lãi suất để hướng dòng tiền vào thị trường và đầu tư. Tuy vậy, khó có thể nói các biện pháp của Chính phủ nước này có thể ngăn được một sự sụp đổ tiếp theo của TTCK trong thời gian tới.

Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc vốn bộc lộ những điểm yếu trong năm 2015, sẽ tiếp tục có xu hướng không ổn định trong năm 2016. Cũng có dự đoán rằng, chứng khoán Trung Quốc cũng có thể sẽ giảm 30% trong năm nay. Điều này đang đặt các nhà đầu tư toàn cầu trong tình trạng cảnh giác cao. Dù trên thực tế, các mối liên hệ giữa TTCK Trung Quốc với các khu vực khác không nhiều. Song, những diễn biến đã diễn ra cho thấy, có một sự ảnh hưởng không hề nhẹ từ đất nước đông dân nhất thế giới sang các thị trường Châu Âu và Châu Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường chứng khoán Trung Quốc: Hoảng loạn và bất an

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.