Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hòa nhập văn hóa cho người di cư: Chìa khóa để ổn định xã hội

Kim Phượng| 14/02/2016 07:17

(HNM) - Châu Âu đang đối mặt với làn sóng di cư nghiêm trọng nhất trong vòng nhiều thập kỷ. Những lo ngại về một Châu Âu bất ổn, hỗn loạn, mất đi bản sắc đã được đề cập trong thời gian gần đây.


Rõ ràng, bên cạnh vấn đề kinh tế, xung đột về văn hóa và tôn giáo là mối quan ngại sâu sắc của nhiều nước trong lục địa già. Phần lớn những người tị nạn là người Hồi giáo đến từ Syria và Châu Phi, trong khi người dân và chính phủ các nước Châu Âu vẫn chưa sẵn sàng để làm quen với một cộng đồng Hồi giáo lớn như vậy ngay trong lòng xã hội của mình. Các vụ quấy rối tình dục tại một số thành phố ở Đức thời gian vừa qua là lời nhắc nhở đối với chính phủ các nước Châu Âu về việc không chỉ giúp người di cư có cơm ăn, áo mặc mà còn cần phải giúp họ hội nhập với văn hóa của nước sở tại.

Trong bối cảnh này, các nhà chức trách địa phương đã chuẩn bị nhiều chương trình nhằm người di cư có thể hòa nhập được với "ngôi nhà mới". Cụ thể, mới đây Chính phủ Anh tuyên bố ủng hộ các trường học cấm phụ nữ và các nữ sinh theo đạo Hồi mang mạng che mặt tới trường để những nhóm người này hòa nhập với nền văn hóa Anh. Hiện ở Anh chưa có luật cấm mạng che mặt nhưng một số quốc gia khác ở Châu Âu như Pháp đã cho phép các trường học đưa điều này vào nội quy.

Bộ trưởng Giáo dục Anh Nicky Morgan cho rằng, việc bỏ mạng che mặt còn giúp ích cho việc học tập của các học sinh, đặc biệt trong khi học ngôn ngữ. Trước đó, Thủ tướng David Cameron đã đồng ý chi 30 triệu USD cho những lớp học tiếng Anh dành cho phụ nữ người Hồi giáo để hòa nhập cộng đồng và tránh nguy cơ bị trục xuất. Ông D.Cameron cũng chỉ trích về tình trạng phân chia và kỳ thị nhằm vào phụ nữ, đồng thời cho rằng việc những phụ nữ Hồi giáo không rành tiếng Anh khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi những lời lẽ cực đoan.

Trong khi đó, tại Đan Mạch, thị trấn Randers ở miền Trung nước này đã yêu cầu các cơ sở công cộng không được loại các món ăn làm từ thịt lợn - vốn là thực phẩm kiêng kị của người Hồi giáo - khỏi các thực đơn phổ biến theo văn hóa ẩm thực của quốc gia vùng Tây Bắc Âu này.

Lần đầu tiên trên Truyền hình Đức có một chương trình đối thoại song ngữ Arab - Đức. Ở đó, khách mời sẽ là những người di cư mới tới Đức, trao đổi mọi thứ về cuộc sống mới với người dẫn. Chương trình có tên "Marhaba" có nghĩa là "Chào mừng", ra đời nhằm tạo cầu nối giữa người dân Đức và những người di cư. Họ trao đổi về mọi thứ, từ cách người Tây Âu ăn mừng Giáng sinh cho tới những câu chuyện lớn lao hơn như là tự do tôn giáo, khác biệt văn hóa, cho tới bình đẳng giới. Sau vụ quấy rối tại Cologne, một loạt các quy định mới cứng rắn đối với người di cư đã được công bố.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Đức Heiko Maas, các biện pháp này được đưa ra cũng nhằm để bảo vệ cho phần lớn những người di cư khác đang ở nước này. Hiện Chính phủ Đức bắt đầu thành lập các "lớp học hòa nhập" cho người di cư, trong khi nhiều trường học tiến hành các lớp học chào đón cho trẻ em nhập cư. Tại đây, họ không chỉ được dạy ngôn ngữ mà còn dạy về cuộc sống và những giá trị cần tôn trọng tại Đức. Những cuốn sách được xuất bản bằng cả tiếng Đức và Arab giúp những người di cư hiểu về những điều đơn giản nhất trong cuộc sống tại Đức.

Có thể thấy, chuyển đến sống ở một đất nước mới, dù không phải đối diện với cái chết, chiến tranh, nhưng cuộc sống của những người di cư sẽ thật sự khó khăn nếu họ không thể hòa nhập và tìm kiếm việc làm. Thế nên, việc ưu tiên cho việc thúc đẩy sự hội nhập văn hóa cùng với nhiệm vụ dạy ngôn ngữ hay tạo việc làm cho những người di cư là chìa khóa để ổn định xã hội và bảo đảm an ninh tại các quốc gia Châu Âu. Tuy nhiên, ngoài việc đòi hỏi nguồn lực tài chính dồi dào, đây thực sự là một bài toán không hề đơn giản mà toàn Châu Âu đang phải đối mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa nhập văn hóa cho người di cư: Chìa khóa để ổn định xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.