Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Con hổ Nam Mỹ” đổ bệnh

Thùy Dương| 14/04/2016 08:20

(HNM) - Cuộc khủng hoảng chính trị ở Brazil ngày càng leo thang khi ngày 12-4, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff tố cáo Phó Tổng thống Michel Temer phản bội Tổng thống đương nhiệm để ủng hộ phe đối lập. Bằng hành động này, Phó Tổng thống Brazil thúc đẩy nhanh hơn việc đưa ra xét xử và bãi nhiệm người đứng đầu đất nước tại Quốc hội trong ít ngày tới.

Người dân Brazil xuống đường đòi Tổng thống D.Rousseff từ chức.


Đây là phản ứng đầu tiên của nữ Tổng thống D.Rousseff sau khi Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện ngày 11-4, bỏ phiếu thông qua đề xuất đưa Tổng thống ra xét xử tại Quốc hội. Bà D.Rousseff cũng chỉ trích Phó Tổng thống M.Temer đăng tải một đoạn băng với nội dung dường như bà đã bị phế truất. Phát biểu tại một buổi lễ ở Phủ Tổng thống, bà D.Rousseff cho hành động này là sự "phản bội" nền dân chủ và người dân; đồng thời cảnh báo âm mưu đảo chính. Có thể thấy, tiến trình luận tội Tổng thống D.Rousseff với cáo buộc vi phạm pháp luật đang làm chính trường Brazil thêm chao đảo.

Vài năm trước, Brazil từng là "con cưng" của thế giới đang phát triển. Nền kinh tế quốc gia lớn nhất Nam Mỹ và đứng thứ 7 thế giới tăng trưởng chóng mặt. Động lực chính được cho là nhờ bán nguyên vật liệu và hàng hóa cho Trung Quốc. Ngoài ra, Brazil - một trong năm trụ cột của Các nền kinh tế mới nổi (BRICS) - còn xây dựng khá thành công ngành công nghiệp công nghệ cao và đào tạo những kỹ sư tài giỏi cho riêng mình. Vì thế, Brazil nhanh chóng soán ngôi nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới của Anh. Nhưng từ năm 2014, cuộc khủng hoảng chính trị tại xứ sở của vũ điệu Samba càng thêm trầm trọng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như vụ bê bối tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Vụ bê bối khiến khoảng 50 chính trị gia, trong đó có cả Hạ nghị sĩ, Thượng nghị sĩ và Thống đốc bang... bị điều tra. Cuộc khủng hoảng kép: Chính trị - kinh tế đang đẩy Brazil đến ngưỡng một cuộc khủng hoảng toàn diện. Chính phủ đang bị đóng băng, các nhà đầu tư trong nước cũng như toàn cầu mất lòng tin và nợ nần không ngừng tăng tốc... Thế nên, không ít người dân Brazil tin rằng đảng Công nhân cầm quyền khó có khả năng phá vỡ "bẫy chính sách" hiện nay tại Brazil. Hầu hết đều cho rằng vào thời điểm muộn màng này, dù cố gắng nhưng đảng Công nhân khó có thể đáp ứng được những nhu cầu cấp thiết trước mắt của đất nước. Trong bối cảnh như vậy, Tổng thống D.Rousseff lại đang đối mặt với cáo buộc liên quan đến vụ Petrobras. Do đó, nguy cơ bị phế truất của nữ Tổng thống Brazil là có thật khi phe đối lập liên tục gây áp lực để bãi nhiệm bà trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2018.

Thêm vào những sóng gió trên chính trường, vài tuần qua, hàng triệu người dân Brazil đã xuống đường kêu gọi phế truất Tổng thống - người mà họ cho là đang làm kinh tế đất nước lụn bại. Dẫu vậy, Tổng thống D.Rousseff khẳng định sẽ không từ chức. Và, chính sách "thắt lưng buộc bụng" để cứu vãn nền kinh tế vẫn được Chính phủ đương nhiệm thực thi nhằm vực dậy lòng tin của người dân. Nhưng, tất cả dường như đã quá trễ và một tương lai không mấy lạc quan đang phủ bóng lên nền chính trị từng ổn định tại Nam Mỹ.

Ngày 12-4, đảng Tiến bộ (PP), đứng thứ tư về số ghế ở Hạ viện, tuyên bố từ bỏ liên minh với Chính phủ và ủng hộ phế truất Tổng thống D.Rousseff vào ngày 17-4 tới. PP là đảng thứ 4 rời bỏ liên minh với Chính phủ. Dự kiến trong 24 giờ tới, Hạ viện Brazil sẽ họp phiên toàn thể để xem xét việc bỏ phiếu bãi nhiệm bà D.Rousseff vào ngày 17-4. Nếu 2/3 số phiếu tại Hạ viện ủng hộ bãi nhiệm Tổng thống, vụ việc sẽ được chuyển lên Thượng viện. Trong trường hợp, 41 trên tổng số 81 nghị sĩ tại Thượng viện thông qua, bà D.Rousseff sẽ phải rời nhiệm sở trong 180 ngày, nhường chỗ cho Phó Tổng thống M.Temer.

Với dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 chỉ từ 2,95% đến 2,99%, thành tích nghèo nàn về kinh tế rõ ràng đang thu hẹp dần cơ hội chèo chống của Tổng thống D.Rousseff. Việc "xốc lại" nền kinh tế Brazil đang là nhu cầu cấp bách bởi đây là nền kinh tế lớn nhất Mỹ La tinh. Cơn đổ bệnh của "con hổ Nam Mỹ" thành hiện thực có thể sẽ lây sang các nền kinh tế mới nổi khác. Nó được dự báo sẽ gây hiệu ứng tài chính khó lường trên phạm vi toàn cầu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Con hổ Nam Mỹ” đổ bệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.