Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giành lợi thế trước khi "gió đổi chiều"?

Vân Khanh| 25/04/2016 06:52

(HNM) - Lệnh ngừng bắn có hiệu lực tại Syria cách đây gần 2 tháng quả thật mong manh như đã từng được dự báo. Những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy lại diễn ra trên khắp quốc gia Trung Đông này.

Quân đội Syria đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm đẩy lùi lực lượng nổi dậy khỏi thành phố chiến lược Aleppo.


Đáng kể nhất là tại Aleppo, nơi quân đội chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad tuyên bố sẵn sàng tiến hành các chiến dịch quy mô lớn để tái chiếm thành phố lớn nhất Syria khỏi tay các lực lượng nổi dậy. Những cuộc đụng độ ác liệt tại thành phố này đã diễn ra dồn dập những ngày qua giữa phe đối lập và quân đội chính phủ khi cả hai bên đều không muốn thất bại ở địa danh chiến lược.

Khi chưa bị tan nát vì chiến sự, Aleppo là trung tâm kinh tế của Syria với nhịp sống sôi động và những doanh nhân tài năng, thành đạt. Trong thời chiến, Aleppo vẫn giữ nguyên vị thế với tầm quan trọng đặc biệt về quân sự. Nằm ở khu vực Bắc Syria, thành phố này được xem như chiếc chìa khóa để kết nối các khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Nam quốc gia Trung Đông. Aleppo cũng là bàn đạp giá trị nhất để tấn công vào Raqqa, "thủ đô" của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria vốn chỉ cách đó khoảng 160km về phía Đông.

Do vậy, bên nào chiếm được Aleppo sẽ giành được lợi thế trên chiến trường của cuộc nội chiến hiện đã bước sang năm thứ 6. Cũng vì thế mà những trận quyết đấu ở thành phố từng là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Syria luôn khốc liệt, căng thẳng và khó phân thắng bại. Kể từ tháng 11 năm ngoái, quân đội Tổng thống B.Al-Assad dưới sự hỗ trợ của Nga đã thành công trong việc chiếm lại 2/3 lãnh thổ Aleppo. Phần còn lại do các lực lượng người Kurd và những nhóm vũ trang đối lập chiếm giữ.

Nhờ đó, Damascus đã thành công với những nỗ lực ngăn chặn quân nổi dậy mở rộng kiểm soát xuống khu vực phía Nam và phía Tây Syria. Tuy nhiên, giá trị quân sự của thành phố hơn 4.000 năm tuổi đã thôi thúc vị Tổng thống đương nhiệm Syria tiếp tục thực hiện chiến dịch được các nhà quân sự gọi là cuộc tổng tấn công để giành lại toàn bộ Aleppo. Trận chiến này có ý nghĩa sống còn đối với chính thể ở Damascus và tương lai chính trị của Tổng thống B.Al-Assad.

Nếu Aleppo hoàn toàn nằm trong sự quản lý của quân chính phủ, nhà lãnh đạo Syria sẽ kiểm soát được khu vực biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Damascus tin là con đường vận tải mà Ankara cung cấp hỗ trợ quân sự và tài chính cho các lực lượng nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia bên trong lãnh thổ Syria. Sau khi tái chiếm thành công thành cổ Palmyra ở phía Nam, cùng với Aleppo sẽ tạo được thế gọng kìm siết chặt đội quân IS đang trú ngụ ở đại bản doanh Raqqa. Với cứ điểm Aleppo, ông B.Al-Assad cũng sẽ xây dựng được tuyến hành lang an toàn cho cả vùng duyên hải phía Tây, hiện là căn cứ địa của cộng đồng Alawite trung thành với Damascus.

Nhìn trên cục diện hiện nay, quân đội chính phủ Syria có nhiều ưu thế hơn trong trận chiến ở Aleppo. Thế nhưng điều này không nằm trong tính toán của cả Mỹ và những tay súng đối lập. Với mục tiêu mở rộng vai trò trong cuộc chiến Syria, Washington không muốn liên minh B.Al-Assad và Nga "thanh toán" Raqqa từ Aleppo trong khi phe nổi dậy lo sợ sẽ mất thủ phủ chính trị và kinh tế của mình khi thành phố miền Bắc này được coi là biểu tượng sức mạnh và quyền lực của họ.

Một khi bị tuột mất Aleppo, việc các phần lãnh thổ mà lực lượng này đang nắm giữ ở phía Bắc tiếp tục bị giải phóng có thể chỉ còn là vấn đề thời gian. Vì thế, quyết định gia tăng hoạt động quân sự ở Aleppo của Damascus đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ những phía còn lại. Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 24-4, cảnh báo về sự đổ vỡ của thỏa thuận ngừng bắn vừa có hiệu lực cách đây hơn 2 tháng tại Syria. Trước đó vài ngày, đại diện phe đối lập đã bỏ về giữa chừng cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva vì cho rằng chính quyền Tổng thống B.Al-Assad đã vi phạm giao ước.

Tuy nhiên, Damascus có lý riêng khi lập luận phạm vi của lệnh ngừng bắn không bao gồm IS, Mặt trận Al-Nusra thân Al-Qaeda và việc họ chống lại những tay súng khủng bố ở Aleppo là trong giới hạn cho phép. Cũng có một thực tế rằng, cho dù cùng đặt bút ký vào lệnh ngừng bắn nhưng nhìn chung "sức sống" lâu dài của thỏa thuận này không cao. Đặc biệt là sau chuyến đi Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ B.Obama, đã xuất hiện những đồn đoán rằng Washington sẽ giữ một lập trường cứng rắn hơn với Damascus để "chiều lòng" đồng minh thân thiết ở Trung Đông. Do vậy, ông B.Al-Assad muốn tranh thủ đẩy nhanh sức mạnh quân sự, giành chiến thắng trên thực địa nhằm tạo lợi thế trên bàn đàm phán trước khi tình hình Syria xoay chiều.

28 thường dân đã thiệt mạng tại Aleppo chỉ trong 48 giờ chiến sự gia tăng. Con số này rất nhỏ so với khoảng 250.000 sinh mạng đã bị cướp đi trong gần 6 năm nội chiến ở Syria. Như vậy để thấy rằng, trong khi các cường quốc vẫn chưa tính toán xong được lợi ích để chấm dứt cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở quốc gia Trung Đông thì những người dân vô tội tiếp tục phải mất mạng oan uổng. Vậy nên, điều cần thiết nhất là phải nhanh chóng đi đến một hồi kết nhằm trả lại hòa bình cho đất nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giành lợi thế trước khi "gió đổi chiều"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.