Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bầu trời Kenya phủ đầy khói trong đợt tiêu hủy ngà voi lịch sử

Mai Chi| 01/05/2016 10:06

(HNMO) – Thứ bảy, 30/4, hơn 100 tấn ngà voi và sừng tê giác xếp thành 12 “tháp” khổng lồ đã bị đốt cháy tại Kenya, khiến các khu vực lân cận vườn quốc gia Nairobi chìm trong khói và tro bụi dày đặc.

(Ảnh: npr)


Nhiều nguyên thủ từ các quốc gia châu Phi và hàng trăm người dân đã chứng kiến cảnh Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta châm lửa đốt số lượng sản phẩm từ động vật hoang dã trị giá lên đến 172 triệu USD.

Đây là hành động mạnh mẽ và cũng là đợt tiêu hủy sản phẩm động vật hoang dã lớn nhất trong lịch sử nhằm chống lại nạn săn trộm ở khu vực này.

Các cán bộ từ Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya mở niêm vong những kiện hàng chứa đầy ngà voi được chuyển về từ khắp cả nước. (Ảnh: npr)


Phát biểu trước đám đông, Tổng thống Uhuru cho biết: “Lợi nhuận ngày càng cao từ việc buôn bán ngà voi bất hợp pháp trên thị trường quốc tế đã dẫn đến hàng loạt vụ thảm sát tại các khu rừng nhiệt đới ở châu Phi. Trong vòng 10 năm, chỉ riêng ở khu vực Trung Phi, số lượng voi đã suy giảm tới 70%.

Voi là loài động vật biểu tượng của châu lục này, và chúng sẽ biến mất vĩnh viễn nếu con người không có hành động thiết thực ngay từ bây giờ”.

Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã Kenya đã phải mất tới 10 ngày để xây dựng lò thiêu chứa 105 tấn ngà voi, 1,35 tấn sừng tê giác cùng các loại da động vật và rất nhiều sản phẩm khác từ gỗ đàn hương, vỏ cây. Đây là lần thứ tư Kenya thực hiện việc tiêu hủy kể từ năm 1989 trong nỗ lực chống lại nạn săn trộm đang ngày càng trở nên tồi tệ.

Các tình nguyện viên đưa số ngà voi bị thu giữ đến nơi tiêu hủy. (Ảnh: npr)


Theo chuyên gia thương mại động vật hoang dã, chỉ riêng lượng ngà – ước tính lấy từ khoảng 8.000 con voi – có giá trị thị trường lên đến 105 triệu USD. Sừng tê giác từ khoảng 343 cá thể có giá trị 67 triệu USD.

Tuy nhiên, Kenya thẳng thắn tuyên bố rằng ngà voi chỉ có giá trị đối với một con voi còn sống. Dự kiến việc đốt cháy để tiêu hủy số ngà voi này sẽ mất khoảng một tuần.

Ngà voi được xếp thành tháp để tiện cho việc tiêu hủy. (Ảnh: npr)


Trong khi đó, một số người lại lên tiếng chỉ trích hành động trên và cho rằng nó sẽ góp phần làm tăng giá trị ngà voi ở thị trường đen, từ đó thúc đẩy các hoạt động săn trộm diễn ra mạnh mẽ hơn.

Theo ước tính, cứ 15 phút lại có 1 con voi bị giết hại để lấy ngà. Năm ngoái, có khoảng 1.338 con tê giác đã bị săn bắn tại châu Phi.

Thông qua sự kiện này, Kenya muốn gửi một thông điệp rõ ràng và công khai rằng nước này sẽ không dung thứ cho tất cả các hành động buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã.

Không chỉ gây tàn phá hệ sinh thái, nạn săn bắn và buôn bán bất hợp pháp còn gây ảnh hưởng tới an ninh, đời sống và kinh tế của các quốc gia châu Phi. Tại Kenya, ngành du lịch – chủ yếu dựa vào các loài động vật hoang dã – chiếm khoảng 12% GDP. Một con voi còn sống tạo ra doanh thu du lịch cao gấp 76 lần giá trị đôi ngà của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bầu trời Kenya phủ đầy khói trong đợt tiêu hủy ngà voi lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.