Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hậu “đảo chính mềm” và cuộc chiến cam go

Hoàng Linh| 27/05/2016 07:12

(HNM) - Sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, tháng 4-2016, phe cánh hữu đối lập ở Brazil đã ăn mừng khi giành được đa số phiếu thuận luận tội nữ Tổng thống Dilma Rousseff tại Thượng viện - hành động hạ bệ mà dư luận thế giới xem là một cuộc đảo chính không đổ máu.

Những người biểu tình tuần hành phản đối ông M.Temer giữ ghế Tổng thống Brazil.


Ngày 12-5 vừa qua, Phó Tổng thống Michel Temer đã chính thức nhậm chức Tổng thống lâm thời sau khi Thượng viện thông báo đình chỉ chức vụ Tổng thống của bà D.Rousseff để phục vụ công tác điều tra.

Gần hai tuần sau nhậm chức, Chính phủ của Tổng thống Michel Temer đã phải đối mặt với khủng hoảng lớn khi một trong những nhân vật chủ chốt, Bộ trưởng Kế hoạch Romero Juca, quyết định từ chức. Điều đáng nói nằm ở lý do đằng sau động thái bất ngờ này là ông R.Juca đang đối mặt với cáo buộc về âm mưu cản trở một trong những cuộc điều tra tham nhũng lớn nhất từ trước tới nay ở Brazil thông qua việc lật đổ nữ Tổng thống D.Rousseff. Đây là điều mà nhiều nhà phân tích chính trị nhìn nhận từ trước đó.

Theo tờ báo Folha de Sao Paulo, đoạn băng (được ghi âm chỉ vài ngày trước khi Hạ viện Brazil bỏ phiếu về việc luận tội bà D.Rousseff hôm 17-4) cho thấy, những thảo luận chi tiết của ông R.Juca với ông Sergio Machado, cựu Chủ tịch Công ty Transpetro thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, làm thế nào tận dụng được việc luận tội bà D.Rousseff để ngăn cản cuộc điều tra bê bối tham nhũng khổng lồ của Petrobras. Trong đó, ông R.Juca nói về một "hiệp ước quốc gia" (national pact) nhằm đình chỉ chiến dịch điều tra quy mô lớn mang tên "Rửa xe" (Car Wash) vốn đã khiến hàng chục chính trị gia hàng đầu và hàng chục doanh nhân "ngã ngựa". Hai người này sau đó đã đi đến thống nhất rằng, loại bỏ bà D.Rousseff là lựa chọn duy nhất để có thể chấm dứt hoàn toàn những điều tra tham nhũng liên quan tới Petrobras.

Đáng chú ý, đoạn ghi âm cũng đề cập tới những thương lượng của ông R.Juca với nhiều nhân vật quyền lực của Brazil nhằm đưa ông M.Temer - người cũng dính nhiều cáo buộc tham nhũng trước đó - vào ghế Tổng thống để chấm dứt việc điều tra sau khi bà D.Rousseff bị hạ bệ. Ông R.Juca nêu rõ rằng, điều đó sẽ giúp "giải tỏa áp lực từ giới truyền thông và các phía khác về việc phải tiếp tục chiến dịch "Rửa xe"; đồng thời khẳng định "Tôi đã nói chuyện với các vị tướng, các chỉ huy quân đội. Họ không gặp vấn đề gì và nói rằng sẽ bảo đảm điều đó (hạ bệ Tổng thống)". Ông R.Juca cũng đã thỏa thuận với các thẩm phán tòa án tối cao để phủ nhận việc hạ bệ bà D.Rousseff là một âm mưu đảo chính, nhưng thừa nhận không nhận được sự đồng thuận từ "một số ít" trong nhóm này.

Như thế, có thể thấy rằng bằng chứng mới - hiện được cho là đang nằm trong tay Tổng Công tố viên Brazil - có nhiều nghi vấn và cáo buộc về âm mưu lật đổ là sự thật. Nó cũng có thể dẫn đến việc hủy bỏ quá trình luận tội bà D.Rousseff. Trước sự việc này, ông R.Juca không phủ nhận tính xác thực của đoạn băng nhưng biện hộ rằng ý kiến của ông trong đó nên được coi là nội dung tham khảo nhằm giúp chấm dứt việc "chảy máu" nền kinh tế chứ không phải nhằm vào chiến dịch điều tra Petrobras. Nhưng, trên thực tế, cả hai ông R.Juca và S.Machado đều đang trong diện bị điều tra do có những cáo buộc nhận tiền hối lộ.

Về phần mình, mặc dù đang chịu sức ép từ những người phản đối và các phương tiện truyền thông Brazil phải đưa ra tuyên bố về vụ việc này, ông M.Temer cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ bình luận gì. Bản thân người đứng đầu nội các lâm thời xứ Samba từ khi lên nắm quyền cũng liên tục phải đối mặt với các cuộc biểu tình diễn ra hằng ngày ở những thành phố lớn. Những người biểu tình gọi ông là Tổng thống bất hợp pháp và mong muốn bà D.Rousseff trở lại nắm quyền. Trong khi đó, một số khác lại muốn tổ chức cuộc bầu cử mới. Cho dù thế nào, có thể thấy vụ bê bối mới nhất này tiếp tục nhấn chìm Brazil vào khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Bê bối tại Barzil cho thấy sự cam go trong cuộc chiến chống tham nhũng trên phạm vi toàn cầu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hậu “đảo chính mềm” và cuộc chiến cam go

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.