Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật Bản - Nga: Nỗ lực vượt bất đồng

Thùy Dương| 24/06/2016 07:36

(HNM) - Quan hệ giữa Nhật Bản và Nga đang có những chuyển biến tích cực khi ngày 22-6, các quan chức cấp cao hai nước bắt đầu đàm phán tại Tokyo về Hiệp ước hòa bình hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai.


Đây là cuộc đàm phán đầu tiên về bản Hiệp ước này kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí thông qua một "cách tiếp cận mới" nhằm thúc đẩy các cuộc thương lượng về Hiệp ước tại khu nghỉ dưỡng Sochi (Nga) hồi tháng 5 vừa qua.

Quần đảo Nam Kuril mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.



Mặc dù Chiến tranh Thế giới thứ hai đã kết thúc hơn 70 năm nhưng Nhật Bản và Nga vẫn chưa ký kết Hiệp ước hòa bình. Nguyên nhân là do tranh chấp lãnh thổ liên quan tới quần đảo Nam Kuril do Nga kiểm soát mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Vấn đề này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia.

Quần đảo Nam Kuril gồm 4 hòn đảo: Iturup, Kunashir, Shikotan, Habomai do Nhật Bản chiếm đóng trong thế kỷ XIX. Theo một hòa ước khi đó giữa hai nước thì những hòn đảo trên được hiểu là 2 đảo phía Bắc là của Nga và 2 đảo còn lại là của Nhật Bản. Khi kết thúc Thế chiến II, cả 4 hòn đảo trên đều do Liên Xô tiếp quản, sau khi đạo quân Quan Đông Nhật Bản bị Hồng quân đuổi ra khỏi Sakhalin cho tới nay. Năm 1960, thông qua đàm phán, hai bên đã gần đạt được Hiệp ước hòa bình. Theo đó, Mátxcơva sẽ trao trả cho Tokyo 2 hòn đảo Shikotan và Habomai nhưng vì nhiều lý do, việc ký kết văn bản này không thành hiện thực. Kể từ khi Liên Xô tiếp quản quần đảo Nam Kuril (1945), 17.000 công dân Nhật Bản đã bị trục xuất khỏi đây. Vì thế, Chính phủ Nhật Bản qua các thời kỳ đều giữ nguyên tắc không thỏa hiệp trong vấn đề Vùng lãnh thổ phương Bắc. Các nhà phân tích từng nhận định, tranh chấp lãnh thổ giữa hai siêu cường dường như khó có thể giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, hiện nay, Thủ tướng S.Abe đặc biệt chú trọng bình thường hóa quan hệ với Nga. Xuất phát từ những xung đột ngày càng tăng trong khu vực, lập trường của Tokyo trong việc giải quyết tranh chấp biển, đảo với Mátxcơva lúc này có xu hướng mềm dẻo hơn trong bối cảnh họ đang tăng cường vị thế quốc tế. Tokyo mong muốn sẽ có cơ hội đóng vai trò đặc biệt trong sự chuyển đổi của xứ Bạch dương. Mặt khác, Nhật Bản cũng rất cần sự ủng hộ của Nga trong nỗ lực trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Về phía mình, Nga cũng có những lợi ích to lớn trong việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Nhật Bản - một cường quốc về kinh tế mà sự giúp đỡ về vốn cũng như công nghệ cao có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đặc biệt khi Mátxcơva đang ở thế khó về kinh tế với hàng loạt bao vây cấm vận từ phương Tây liên quan đến vấn đề Ukraine; cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria cũng như giá dầu sụt giảm cũng đang làm nước này tổn hại về tài chính. Trong bối cảnh đó, Nga phải thừa nhận rằng quay sang Châu Á - một địa bàn chiến lược mới, nơi đang ẩn giấu nhiều tiềm năng thì hợp tác với Nhật Bản là một lựa chọn không gì tốt hơn. Nhật Bản hiện đang là một thành viên nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, nhóm đang “tẩy chay” và áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Nga. Vì thế, duy trì kênh đối thoại và hợp tác với Tokyo sẽ giúp Mátxcơva mở cánh cửa với các thành viên phương Tây trong nhóm cường quốc này. Thứ nữa, ngành năng lượng của Nga đang chuyển đổi ngoạn mục với việc phát triển các tuyến đường ống dẫn dầu trực tiếp sang Châu Á qua đường ống dẫn dầu Đông Siberia - Thái Bình Dương. Nga dự kiến tăng gấp đôi sản lượng dầu và khí xuất khẩu sang Châu Á trong 20 năm tới như một phần trong chiến lược chuyển các tuyến xuất khẩu dầu và khí ra khỏi Châu Âu. Vì thế, Nhật Bản là một đối tác hợp lý, thậm chí có thể bổ sung đáng kể nguồn lực cho nền kinh tế Nga. Hơn nữa, việc chấp nhận sự giúp đỡ của Nhật Bản là một phần của chương trình hiện đại hóa các mối quan hệ đối tác lớn hơn của Điện Kremlin. Nga hy vọng sẽ thu hút nguồn đầu tư từ Nhật Bản vào vùng Viễn Đông, nơi đang cần tăng tốc phát triển.

Như vậy, vấn đề Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc được coi là "chìa khóa" của Hiệp ước hòa bình Nga - Nhật. Trên cơ sở những lợi ích của mỗi nước, dư luận đang kỳ vọng vào bước đột phá trong giải quyết tranh chấp quần đảo này, góp phần khơi thông quan hệ song phương giữa hai quốc gia để tiến tới một thời đại phát triển mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản - Nga: Nỗ lực vượt bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.