Theo dõi Báo Hànộimới trên

Iraq bước vào giai đoạn bất ổn mới ?

Thùy Dương| 07/07/2016 06:23

(HNM) - Số người chết sau vụ khủng bố đẫm máu ngày 3-7 vừa qua tại quận Karrada, trung tâm thủ đô Baghdad (Iraq) đã lên tới con số hơn 200. Đây chưa phải là con số cuối cùng khi vẫn còn khoảng 200 người bị thương đang trong tình trạng sức khỏe xấu.

Hiện trường vụ đánh bom tại quận Karrada, trung tâm Baghdad (Iraq).



Trong tháng 6 vừa qua, ít nhất 660 người đã thiệt mạng và 1.457 người bị thương trong các vụ khủng bố, bạo lực và xung đột vũ trang trên khắp đất nước Iraq. Các vụ đánh bom tàn bạo nhằm vào dân thường cho thấy, IS đang thay đổi chiến lược sau khi thúc thủ tại tỉnh Anbar tiếp giáp Baghdad và bị đánh bật khỏi các thành phố như Ramadi, Fallujah... Điều này không chỉ để duy trì ảnh hưởng, mà còn buộc thế giới phải quan tâm đến tổ chức khủng bố này. Và trên hết, hành động táo tợn của IS cho thấy rõ cuộc khủng hoảng chính trị tại Iraq vẫn chưa đến hồi kết. IS dễ dàng tấn công Baghdad một phần do năng lực của lực lượng an ninh ở nước này quá yếu kém cả về nghiệp vụ, vũ khí lẫn thu thập thông tin tình báo. Bên cạnh đó, phần lớn tỉnh Anbar giáp Baghdad vẫn trong tầm kiểm soát của IS, do đó lực lượng này xâm nhập Baghdad không quá khó khăn.

Một nguyên nhân khác được cho là không kém phần quan trọng khiến các vụ khủng bố gia tăng tại Iraq. Đó là khủng hoảng chính trị kéo dài trong Chính phủ của Thủ tướng Al-Abadi. Tâm điểm khủng hoảng được xác định là giáo sĩ Moqtada Al-Sadr - một lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite. Không nắm bất kỳ vị trí nào trong Chính phủ nhưng vị giáo sĩ này có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị Iraq. Và, các nghị sĩ ủng hộ vị giáo sĩ không ngừng gây khó cho Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh an ninh bất ổn ở Baghdad.

48 giờ sau vụ đánh bom đẫm máu, ngày 5-7, Bộ trưởng Nội vụ Iraq Mohammed Ghabban đã đệ đơn từ chức lên Thủ tướng, nhưng hành động này dường như chưa thể xoa dịu sự tức giận của người dân.

Lên cầm quyền từ tháng 9-2014, Thủ tướng Al-Abadi nhận được nhiều kỳ vọng ở người dân, nhưng ông đã bị cuốn vào nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là vấn nạn tham nhũng tràn lan tại khắp các cơ quan, tổ chức nhà nước của Iraq. Cũng vì vậy, bất kỳ một "cải cách" nhân sự nào của Thủ tướng cũng vấp phải sự từ chối của một bộ phận nội các do đặc quyền bị ảnh hưởng. Những "khó khăn" chính trị tại xứ Cây đèn thần đã khiến Liên hợp quốc và Mỹ đồng thanh bày tỏ sự lo ngại khi cho rằng, tranh cãi chính trị tại Iraq đang cản bước tiến của cuộc chiến chống IS. Hiển nhiên, bế tắc chính trị đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Iraq, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu và đang lao đao do giá dầu toàn cầu sụt giảm mạnh.

Như vậy, sau 13 năm kể từ khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ, chính trường Iraq vẫn chưa có một ngày yên bình. Lục đục trong nội các Chính phủ Iraq khiến lò lửa Trung Đông không có cơ hội giảm nhiệt. Đáng lo ngại hơn, hành trình tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia này liên tục đứt đoạn bởi chia rẽ, nghi kỵ giữa hai cộng đồng Hồi giáo là Shiite và Sunni. Trong khi đó, người dân nước này ngày càng thất vọng với chính quyền khi cuộc sống và tính mạng của họ luôn bị "đặt cược" vào các tranh giành chính trị, tôn giáo.

Nỗ lực bước đầu hướng về một đất nước Iraq mới của Thủ tướng Al-Abadi đã không thành. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy các phe phái chính trị tại Baghdad sẵn sàng nhượng bộ và đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích riêng. Do đó, không loại trừ khả năng Iraq sẽ bước vào một giai đoạn bất ổn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Iraq bước vào giai đoạn bất ổn mới ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.