Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Nga - NATO: Đối đầu lạnh

Lâm Phương| 08/07/2016 06:40

(HNM) - Hôm nay 8-7, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 27 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra tại thủ đô Warsaw (Ba Lan). Trong bối cảnh căng thẳng với Nga chưa



NATO đưa quân đội tới gần biên giới Nga khiến cuộc đối đầu giữa hai bên thêm khó hóa giải.


Bên cạnh việc thảo luận về những bước đi của NATO sau khi nước Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), cách thức đối phó với nguy cơ khủng bố, một số quyết định gây chú ý tại Warsaw là tăng cường sự hiện diện của tổ chức này tại Địa Trung Hải, hợp tác liên minh với các nước vùng Vịnh và gia hạn hoạt động tại Afghanistan. Đặc biệt, NATO sẽ triển khai 4 tiểu đoàn đa quốc gia tới Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan với sở chỉ huy "tiền phương" đóng tại thành phố Elblag, phía Bắc Ba Lan, cách tỉnh Kaliningrad của Nga chỉ khoảng 100km. Đây sẽ là những đơn vị thường trực, không chỉ có khả năng đối phó với các nguy cơ trên đất liền mà còn có thể chống lại những đe dọa trên không... Động thái này được xem là đã đẩy tình trạng đối đầu giữa khối quân sự lớn nhất thế giới và xứ Bạch dương lên những nấc thang mới.

Nước Nga đã nhiều lần chỉ trích NATO khi tổ chức này tăng cường sự hiện diện tại khu vực phía Đông và cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả thích hợp. Theo Mátxcơva, dự án "Đông tiến" của NATO đã vi phạm thỏa thuận sau khi kết thúc chiến tranh Lạnh với Liên bang Xô viết. Theo đó, Liên Xô chấp nhận việc tái thống nhất nước Đức, chấp nhận Đông Đức trở thành một phần của NATO. Đổi lại, NATO sẽ không mở rộng về phía Đông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, tham vọng "vẽ lại" bản đồ thế giới của tổ chức này chưa bao giờ dừng lại. Với việc kết nạp thành viên mới, số quốc gia tham gia NATO đã lên tới 28, trong đó có nhiều nước từng được coi là "sân nhà" của Nga.

Quyết định điều quân tới gần biên giới Nga, NATO đã kích động sự trỗi dậy quan điểm thù địch chống phương Tây của người dân xứ Bạch dương. Đây cũng là nguyên nhân khiến Tổng thống Vladimir Putin ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn trong nỗ lực đưa phương Tây về đúng vị trí như đã có. Bằng chứng là Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo thành lập 3 sư đoàn mới ở phía Tây và phía Nam để đối phó việc các lực lượng NATO tiến sát biên giới. Trong thời gian sớm nhất có thể, Nga sẽ đưa vào trực chiến hai hệ thống radar siêu tối tân "Podsolnukh", có khả năng kiểm soát khu vực ven biển rộng 200 hải lý tại Baltic và Biển Đen. Một hệ thống radar tương tự cũng sẽ được triển khai tại bán đảo Crimea. Hệ thống này có khả năng phát hiện bất cứ tàu chiến nào đi qua eo biển Bosphorus. Chưa kể việc Nga đang triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M tại vùng Kaliningrad và hoàn thành trước năm 2019...

Trước nguy cơ căng thẳng ngày một gia tăng, Nga và NATO đã thống nhất tổ chức cuộc gặp ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Ba Lan kết thúc. Nhưng, những gì đang diễn ra cho thấy, hai bên khó có thể hóa giải được những mâu thuẫn, nhất là khi lòng tin dành cho "đối tác" đang ở mức rất thấp. Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy qua chiến lược an ninh được cả NATO và Nga đưa ra. Nếu như năm 2012, các nhà lãnh đạo NATO chỉ xây dựng sáng kiến "Phòng vệ thông minh", thì đến năm 2014, mục tiêu của khối quân sự này đã được nâng lên thành "Kế hoạch hành động chiến lược". Còn tại Hội nghị lần này, các chương trình nghị sự của NATO tập trung vào việc "tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe". Trong khi đó, Mátxcơva đã không ngần ngại chỉ rõ sự mở rộng của NATO là mối đe dọa với đất nước. Và vì thế sẽ không có nhiều hy vọng "làm mới" quan hệ giữa hai đối thủ của thời Chiến tranh lạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Nga - NATO: Đối đầu lạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.