Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ EU – Thổ Nhĩ Kỳ: Lún sâu trong căng thẳng

Quang Huy| 28/07/2016 06:47

(HNM) - Dù diễn ra đầy bất ngờ và kết thúc nhanh chóng nhưng vụ đảo chính ngày 15-7 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã để lại những hậu quả nặng nề. Gần 60.000 người bị bắt giữ và sa thải.

Chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng và tạm thời đình chỉ nghĩa vụ của nước này trong Công ước Nhân quyền Châu Âu. Theo Phó Thủ tướng Numan Kurtulmush, ở bối cảnh hiện nay, việc áp dụng điều thứ 15 của Công ước này sẽ “đe dọa sự tồn tại của quốc gia”. Tổng thống R.Erdogan khẳng định, những hành động mạnh mẽ của Chính phủ là “cần thiết và kịp thời để ngăn chặn các mối đe dọa cho nền dân chủ, pháp trị, nhân quyền và các quyền tự do của công dân Thổ Nhĩ Kỳ”. Với việc áp dụng “tình trạng khẩn cấp”, chính quyền Ankara có thể ban hành các bộ luật mới mà không cần thông qua Quốc hội.

Sau đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ đối diện với những nguy cơ rạn nứt quan hệ với EU.



Tuy nhiên, những biện pháp củng cố chính quyền của ông R.Erdogan đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Châu Âu. Thông tin và hình ảnh rò rỉ dù chưa được xác nhận về các vụ tra tấn, nhục hình… các nghi phạm liên quan vụ chính biến đang làm dấy lên những câu hỏi về tính dân chủ và nhân đạo của Ankara. Trong một thông cáo đưa ra ngày 22-7, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh, đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogherini cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về quyết định tạm ngừng tham gia Công ước Nhân quyền Châu Âu, cho rằng động thái này phải tuân thủ các điều kiện kèm theo. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier yêu cầu các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ chế độ “tình trạng khẩn cấp” càng sớm càng tốt và nhấn mạnh, Ankara không nên săn lùng phe đối lập một cách bừa bãi.

Trong khi Thổ Nhĩ kỳ cáo buộc EU không tuân thủ khoản kinh phí hỗ trợ liên quan vấn đề người tị nạn, ngày 27-7, Người phát ngôn EC Margaritis Schinas cho biết, EU đã huy động 3 tỷ euro nhằm hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và khoảng 740 triệu euro đã được cung cấp. Ông M.Schinas nhấn mạnh, EC chuẩn bị thông qua một biện pháp đặc biệt để cung cấp 1,4 tỷ euro, nâng số tiền chi lên 2,1 tỷ euro từ nay cho tới cuối tháng.

Hiện những hành động của Tổng thống R.Erdogan có nguy cơ đe dọa mối quan hệ vốn có nhiều nghi ngại giữa nước này và EU. Trong đó, việc Ankara có ý định khôi phục án tử hình đã gặp phải sự phản đối gay gắt. Trong khi bà F.Mogherini gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ rằng “không một quốc gia nào có thể trở thành thành viên của EU nếu vẫn sử dụng hình phạt tử hình” thì Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: Việc tái áp đặt án tử hình và mục tiêu gia nhập EU mà quốc gia này đang theo đuổi là “không thể đi cùng nhau”. Trong tuyên bố mới nhất, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ "không có cửa" tham gia ngôi nhà chung nếu khôi phục án tử hình.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra cứng rắn. Ngoại trưởng nước này Mevlut Cavusoglu tuyên bố EU không thể "đe dọa" Ankara. Điều được quan tâm không chỉ là việc cánh cửa vào EU của quốc gia nằm ở hai lục địa Á - Âu đang khép lại mà còn ở chỗ sự rạn nứt này rất có thể sẽ tác động tiêu cực đến thỏa thuận về người di cư giữa hai bên. Bằng chứng là Tổng thống R.Erdogan đã cáo buộc EU không thực hiện cam kết trong thỏa thuận mà hai bên đã ký về việc đưa người di cư Syria quay trở lại qua biển Aegean. Theo đó, EU đã cam kết cung cấp 3 tỷ USD nhưng tới nay mới chỉ giải ngân khoảng 2 triệu USD. Khoản tài chính này quá nhỏ so với kinh phí ước tính khoảng 12 tỷ USD mà Thổ Nhĩ Kỳ phải chi trả để an cư cho khoảng 3 triệu người di cư đến từ Syria và Iraq.

Như vậy, trên phương diện đối nội, Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua một giai đoạn căng thẳng với những tính toán nhằm bảo vệ chính quyền đương nhiệm trong bối cảnh đã xuất hiện những nỗ lực phản kháng. Trên bình diện quốc tế, Ankara cũng đang đứng trước những rủi ro ảnh hưởng tới các mục tiêu đã được hoạch định. Căng thẳng trong quan hệ với EU đang làm lu mờ triển vọng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia liên minh chính trị và kinh tế lớn nhất thế giới đã đến gần. Ngược lại, sự thụt lùi đáng tiếc này chắc chắn cũng sẽ gây tác động không nhỏ tới các "hồ sơ quốc tế" nóng bỏng cần sự hợp tác của Ankara như giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hay cuộc chiến chống IS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ EU – Thổ Nhĩ Kỳ: Lún sâu trong căng thẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.