Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Nga - Châu Âu: Dấu hiệu mới cho triển vọng tan băng

Hoàng Linh| 21/08/2016 06:23

(HNM) - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Theresa May đã đồng ý gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Trung Quốc vào ngày 4 và 5-9 tới.

Cuộc gặp theo sáng kiến của phía Anh được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy triển vọng về sự ấm lên trong quan hệ Nga - Anh. Thời gian gần đây, lãnh đạo nhiều quốc gia Châu Âu cũng có động thái tương tự trong một xu hướng nhằm rút ngắn khoảng cách với xứ sở Bạch dương.

Lệnh trừng phạt kinh tế Nga cũng đã khiến Châu Âu bị tổn thất trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, thực phẩm.


Tiếp tục quan điểm được xem là gần gũi với Nga, Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã bày tỏ: “Tôi muốn là người đầu tiên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để thực hiện điều đó”. Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng đã phát biểu trước đông đảo báo giới tại Paris rằng, nước này thực sự mong muốn các lệnh cấm vận Nga được chấm dứt “càng sớm càng tốt”. Phát ngôn được đưa ra trong thời điểm Thượng viện Pháp thông qua nghị quyết kêu gọi Chính phủ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin.

Hai năm qua, Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và các đồng minh đã ban hành nhiều biện pháp cấm vận nhằm vào Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, nhiều tiếng nói từ Châu Âu cho rằng, những biện pháp này đã gây tổn thất không ít cho Lục địa già. Thống kê của The Bow Group (Anh) ước tính thiệt hại tài chính của phương Tây do các lệnh trừng phạt với Nga có thể vượt con số 700 tỷ USD. Trong đó, bao gồm cả những thiệt hại do lệnh cấm nhập khẩu lương thực, thực phẩm mà Nga áp đặt lên các nước phương Tây (dự kiến kéo dài tới tận cuối 2017). Trong khi đó, Châu Âu đang ở thời điểm có nhiều vấn đề cần giải quyết từ thúc đẩy nền kinh tế trì trệ, đối phó với cuộc khủng hoảng di cư và đặc biệt là những nguy cơ an ninh từ làn sóng khủng bố. Vì thế, việc bình thường hóa quan hệ cũng như khởi động lại các cơ chế hợp tác với Nga được xem là lựa chọn tốt cho Lục địa già, thay vì tiếp tục đối đầu và trừng phạt lẫn nhau.

Tuy nhiên, xuất phát từ vấn đề lợi ích chiến lược mà vấn đề bình thường hóa quan hệ giữa EU và Nga vẫn gặp nhiều trở ngại. Mọi bất hòa xuất phát chủ yếu từ cáo buộc của phương Tây rằng Nga đang đứng sau cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Trong lúc mọi sự ngờ vực chưa được hóa giải thì căng thẳng giữa Nga và Ukraine lại tăng nhiệt. Những ngày qua, giới truyền thông quốc tế đã ghi nhận sự hiện diện của đủ loại vũ khí dọc theo đường tiếp giáp ở Donbass. Trong số này, có nhiều loại được Phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) xác nhận là đã vi phạm các điều khoản về rút vũ khí hạng nặng trong thỏa thuận Minsk. Nhiều nhà phân tích cho rằng NATO dường như đang mong muốn duy trì cục diện hỗn loạn nhằm làm suy yếu “gấu Nga” và âm mưu này thực tế đã tạo sức ép đủ để Mátxcơva nhiều lần phải nhắc đến cụm từ "đáp trả bằng vũ khí hạt nhân”. Nói cách khác, nước Nga đã cảm thấy bị đe dọa thực sự và nhận ra rằng, không có đường lùi trong cuộc đối đầu này.

Cũng có một thực tế là Chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin chưa từng có ý định thỏa hiệp theo hướng hy sinh lợi ích của nước Nga. Trong bối cảnh EU đang gặp nhiều thách thức và cục diện của sân khấu chính trị thế giới đang có những thay đổi, đặc biệt là việc Mátxcơva đang giành được lợi thế tại khu vực Trung Đông thì chuyện Nga tiếp tục theo đuổi mục tiêu trong vấn đề Ukraine là tất yếu. Thế nhưng, Châu Âu là một đối tác tiềm năng đối với nước Nga cả về kinh tế và an ninh. Do đó, việc cải thiện mối quan hệ băng giá với Lục địa già chỉ làm tăng lợi thế cho Nga trong việc tạo dựng uy tín quốc tế và quan trọng nhất là thúc đẩy nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi các lệnh cấm vận của phương Tây và giá dầu thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Nga - Châu Âu: Dấu hiệu mới cho triển vọng tan băng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.