Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải quyết "điểm nóng" an ninh trên bán đảo Triều Tiên: Cần những phương án tiếp cận mới

Hoàng Linh| 24/09/2016 07:29

(HNM) - Kể từ sau thông báo thử hạt nhân lần thứ năm, tình hình tại bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á đã không ngừng


Sức nóng của vụ thử hạt nhân lần thứ hai trong năm 2016 của Bình Nhưỡng không chỉ thể hiện qua những phát ngôn cứng rắn của các quốc gia liên quan, mà còn ở sự phối hợp trên những diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhằm thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mạnh mẽ hơn. Khi những nỗ lực này vẫn đang tiếp diễn thì Bình Nhưỡng lại tuyên bố thử thành công một loại động cơ tên lửa mới công suất lớn trên mặt đất. Với những động thái được cho là phản ánh bước tiến rõ ràng về công nghệ hạt nhân và tên lửa của chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un, một lần nữa, "đốt nóng" các cuộc thảo luận tại Đại hội đồng LHQ.

Sự tăng lên cả về tần suất lẫn quy mô các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên khiến nhiều nước lo ngại



Trong khi Trung Quốc kêu gọi các nước tìm kiếm giải pháp thông qua đàm phán và đối thoại trực tiếp thì Nhật Bản cho rằng cộng đồng quốc tế cần có một "phản ứng hoàn toàn khác trước đây" do "chiều hướng mới" trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se cũng khẳng định, chương trình hạt nhân của quốc gia phương Bắc đang trong giai đoạn “phi nước đại” và không thể kìm hãm. Ông tuyên bố, đây là mối đe dọa hết sức nghiêm trọng và nguy cấp đối với an ninh thế giới, đồng thời cảnh báo cộng đồng quốc tế sẽ hối hận nếu "không kịp thời tháo gỡ quả bom hẹn giờ mang tên vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng”. Theo người đứng đầu cơ quan ngoại giao Hàn Quốc, LHQ có thể cân nhắc xem xét lại tư cách thành viên của Triều Tiên vì những vi phạm liên tục, điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của tổ chức quốc tế này. Thậm chí, các quan chức quân đội Hàn Quốc còn lo ngại về khả năng Triều Tiên chuẩn bị tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu hoặc phóng tên lửa tầm xa hay thực hiện cả hai vào tháng 10 tới nhân kỷ niệm 68 năm Ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên.

Tuyên bố chung của Đại hội đồng LHQ đưa ra sau cuộc họp có sự tham gia của đại diện 120 nước đã nhất trí lên án hành động thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, khẳng định “Triều Tiên là quốc gia duy nhất trên thế giới tiến hành thử nghiệm hạt nhân ở thế kỷ XXI”, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục tăng cường tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuyên bố cũng yêu cầu Bình Nhưỡng phải ngay lập tức ngừng tất cả các dự án thử nghiệm hạt nhân, tuân thủ Tuyên bố chung của HĐBA LHQ và thỏa thuận đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân, đồng thời phải từ bỏ tất cả các chương trình liên quan đến nguyên tử và vũ khí nguyên tử. Cũng theo các nguồn tin, Trung Quốc và Mỹ hiện đã bắt đầu thảo luận về khả năng đưa ra một nghị quyết trừng phạt của LHQ với chính quyền của Chủ tịch Kim Jong-un.

Trước những quyết định thử nghiệm “gây sóng gió” của Triều Tiên, thế giới một lần nữa lại bày tỏ những quan ngại sâu sắc về hòa bình và ổn định trong khu vực. Ngay trong các phiên họp của Đại hội đồng LHQ, ngoại trưởng các nước cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường phát huy hiệu lực của Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện. Trong đó, theo đại diện của Mỹ, Nhật Bản, Đức, Canada, Hà Lan, Hiệp ước này có vai trò hết sức quan trọng đối với việc hạn chế hành động khiêu khích của Triều Tiên và khẳng định, chỉ Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện mới có thể đưa ra các yêu cầu pháp lý nghiêm cấm hành động thử nghiệm vũ khí hạt nhân và các vụ nổ hạt nhân theo kiểu như vậy về lâu dài.

Việc tổ chức những vụ thử hạt nhân dồn dập của Triều Tiên bị lên án mạnh mẽ vì đã vi phạm các nghị quyết HĐBA LHQ khiến bán đảo này trở lại thành một "điểm nóng" an ninh phức tạp hàng đầu. Điều này có thể được xem là sự thất bại của các cơ chế đối thoại hiện thời. Từ đó cho thấy sự cấp thiết phải tìm ra những phương án tiếp cận mới nhất là khi siết chặt trừng phạt không phải là biện pháp để chấm dứt căng thẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết "điểm nóng" an ninh trên bán đảo Triều Tiên: Cần những phương án tiếp cận mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.