Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quân đội Iraq mở chiến dịch tái chiếm Mosul: Trận quyết chiến chiến lược

Thùy Dương| 18/10/2016 06:41

(HNM) - Quân đội Iraq đã chính thức khởi động chiến dịch tấn công nhằm tái chiếm Mosul, thành trì lớn nhất của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại quốc gia này.

Xe tăng quân đội Iraq tập kết ở ngoại ô Mosul.


Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq với 1,5 triệu dân, nằm ở phía Đông Bắc Baghdad, có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, kết nối phía Bắc Iraq và phía Đông Syria. Từ khi rơi vào tay IS cách đây 2 năm, cùng với TP Raqqa ở Syria, Mosul trở thành căn cứ chính của lực lượng này tại Iraq. Tại đây hiện có khoảng 3.000 - 4.500 tay súng IS, gồm cả người Iraq và người nước ngoài. Dù tổ chức khủng bố man rợ này đã đánh mất nhiều khu vực lãnh thổ trong thời gian qua nhưng chúng vẫn giữ chặt quyền kiểm soát cả TP Mosul và TP Raqqa. Một quan chức cấp cao Iraq từng khẳng định, muốn làm suy yếu và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn IS tại Iraq và Syria, việc đầu tiên liên quân cần tiến hành là đánh chiếm Mosul, bởi lẽ đây không chỉ là một thành phố rộng lớn mà còn có ý nghĩa tượng trưng về tinh thần rất lớn đối với cả Chính phủ Iraq lẫn lực lượng khủng bố. Cũng vì thế, các lực lượng Iraq sẽ phải đối mặt với một chiến dịch khó khăn, ác liệt và đẫm máu gấp bội chiến dịch tái chiếm Ramadi. Tính từ nửa cuối năm ngoái đến nay, Mosul là mặt trận được mở ra cuối cùng sau khi lực lượng chính phủ các nước cùng các lực lượng khác tiến hành hàng loạt chiến dịch tái chiếm nhiều thành phố chủ chốt mà IS từng chiếm đóng trên lãnh thổ Iraq và Syria.

Nhiều tháng nay, các lực lượng đồng minh và quân đội Iraq đã siết chặt vòng vây quanh Mosul. Mới đây, lực lượng liên quân đã giành lại những vị trí chủ chốt xung quanh Qayyarah, thị trấn nằm cách Mosul khoảng 60km về phía Nam, mở màn cho chiến dịch tấn công lớn, quyết định vào thành trì của IS ở miền Bắc Iraq. Dự kiến, lực lượng tham chiến vào khoảng 30.000 người, trong đó nòng cốt là quân đội Iraq và chiến binh người Kurd. Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ thông qua các cuộc không kích. Trung tâm điều hành giải phóng Nineveh đã được thành lập với nhiều cố vấn quân sự Mỹ và Anh để điều phối các hoạt động tấn công. Mỹ triển khai một đơn vị pháo binh yểm trợ hỏa lực cho các hoạt động ở phía Nam Mosul. Chính phủ Iraq mong muốn kết thúc chiến dịch vào cuối tuần nhưng cũng đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc tổng tấn công có thể sẽ kéo dài đến vài tháng.

Nếu các chiến dịch tái chiếm Fallujah và Ramadi từ tay IS chỉ là những cuộc vây hãm thì chiến dịch tái chiếm Mosul được nhận định sẽ thực sự là trận hỗn chiến. Dự kiến, đây sẽ là cuộc chiến lớn nhất tại Iraq kể từ năm 2003, thời điểm Mỹ tấn công quốc gia Trung Đông này. Nếu chiến dịch tái chiếm Mosul thành công, lực lượng Chính phủ Iraq có thể thu hồi một nửa diện tích IS đã chiếm giữ ở miền Bắc nước này kể từ tháng 6-2014, từ đó có thể chặn đứng tuyến đường di chuyển của các tay súng và vận tải vũ khí giữa các nước. Quan trọng hơn, đánh bại IS tại Mosul sẽ là thắng lợi lớn đối với Chính phủ của Thủ tướng Haider al-Abadi trong bối cảnh phải đấu tranh để tăng uy tín, chứng minh khả năng quân sự nhằm kết thúc sự thống trị của các nhóm khủng bố ở khu vực phía Bắc giàu dầu mỏ của nước này. Tuy nhiên, Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo trận chiến Mosul có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới từ trước đến nay. Hiện có khoảng 1 triệu người dân vẫn ở lại thành phố và các quan chức về di cư của LHQ cho biết phần lớn họ có thể sơ tán khi cuộc chiến bắt đầu. Các trại tị nạn tạm thời đang được xây dựng để đón những người dân chạy trốn chiến sự ác liệt.

Mosul sẽ chứng kiến trận quyết chiến sinh tử của quân đội Iraq và lực lượng IS. Tái chiếm được "pháo đài cuối cùng" này, quân đội Iraq sẽ đặt dấu chấm hết cho IS tại quốc gia này. Nhưng ngược lại, nếu chiến dịch giải phóng Mosul thất bại, những thành quả trước đó mà quân chính phủ giành được rất dễ trở thành công cốc. Phiến quân IS sẽ có thể lại đánh chiếm Ramadi và nhiều thành phố có ý nghĩa chiến lược khác. Khi đó, thường dân Iraq sẽ là những người gánh chịu nhiều đau khổ nhất và các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố sẽ tiếp tục gia tăng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ càng, quyết tâm lớn và niềm tin vào chiến thắng, không chỉ Iraq mà cộng đồng quốc tế cũng mong chờ một thắng lợi của Baghdad ở Mosul nhằm tạo động lực cho cuộc chiến xóa sổ sự hiện diện của đội quân IS và các tổ chức khủng bố toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quân đội Iraq mở chiến dịch tái chiếm Mosul: Trận quyết chiến chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.