Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cơn bão" trên chính trường Hàn Quốc

Thùy Dương| 01/11/2016 06:33

(HNM) - Sự nghiệp của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang bị thách thức và đe dọa bởi sự dính líu trực tiếp của nhà lãnh đạo này vào một trong những bê bối chính trị nghiêm trọng nhất ở xứ Kim chi.

Mọi việc bắt đầu “vỡ lở” khi một phóng sự điều tra do Đài Truyền hình JTBC của Hàn Quốc thực hiện, phanh phui 44 tài liệu của chính phủ được tìm thấy trong máy tính cá nhân của bà Choi Soon-sil, người bạn thân của Tổng thống Park Geun-hye. Là một người phụ nữ không có chức vụ, không có sự bảo đảm an ninh rõ ràng, nhưng bà Choi được cho là “cố vấn bí mật” của Tổng thống trong mọi chuyện quốc gia đại sự và có tiếng nói đầy trọng lượng trong nhiều vấn đề liên quan đến nhà lãnh đạo đất nước, từ trang phục cho đến các bài phát biểu về “giấc mơ thống nhất” hai miền Triều Tiên.

Người Hàn Quốc xuống đường ở thủ đô Seoul đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức.



Dù Tổng thống Park Geun-hye chối bỏ những cáo buộc trên nhưng truyền thông nước này đã đưa ra những bằng chứng cho thấy, bà Choi có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đến nữ chủ nhân Nhà Xanh. Các nghị sĩ đối lập của Hàn Quốc còn cho rằng, bà Choi đã dùng mối quan hệ với nhà lãnh đạo đất nước để huy động kinh phí cho hai quỹ mà bà này nắm quyền kiểm soát từ một nhóm vận động hành lang kinh doanh. Bà Choi là con gái của một nhân vật thành lập tổ chức tình nguyện mà trước đây bà Park Geun-hye tham gia điều hành. Tình bạn của họ bắt đầu từ khi cha bà Park Geun-hye là cố Tổng thống Park Chung-hee còn đương chức.

Trước áp lực dư luận ngày một lớn, người đứng đầu xứ Kim chi đã phải đưa ra lời xin lỗi trong một chương trình truyền hình toàn quốc, thừa nhận rằng mình có tham khảo ý kiến của bà Choi về “một số tài liệu”. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, việc bà Park Geun-hye lập tức có bài phát biểu về vụ việc dường như “phản tác dụng” bởi sự vội vã này càng làm dấy lên những nghi ngờ rằng bà Choi có thể đã can thiệp sâu rộng hơn vào các vấn đề của Chính phủ và có ảnh hưởng lớn hơn tới các doanh nghiệp so với những gì được tiết lộ. Những ngày qua, hàng chục nghìn người đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Seoul kêu gọi Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Và tỷ lệ ủng hộ dành cho nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc giảm xuống mức thấp chưa từng thấy, chỉ còn 17%. Hiện các đảng đối lập đang yêu cầu có một cuộc điều tra thấu đáo, song chưa đề cập khả năng luận tội bà Park Geun-hye. Trong khi đó, bà Park Geun-hye đã yêu cầu 10 thư ký cấp cao của mình từ chức, đồng thời tiến hành cải tổ một phần Văn phòng Tổng thống.

Các chuyên gia kinh tế lo ngại căng thẳng chính trị leo thang có thể đe dọa làm chậm đà hồi phục của kinh tế Hàn Quốc. Vì những rắc rối liên quan tới "bà chủ" Nhà Xanh, đồng won đã giảm xuống mức gần thấp nhất trong vòng 4 tháng qua do các nhà đầu tư lo ngại vụ việc có thể lan rộng. Vụ bê bối được coi là nghiêm trọng nhất trong lịch sử hơn 70 năm của Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ tư Châu Á đang đối mặt với sự nghi ngờ về khả năng duy trì tăng trưởng. Các ngành công nghiệp chủ chốt của nước này như đóng tàu và thép đang chìm trong khủng hoảng, trong khi đó, các hãng điện tử lớn như Samsung chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc. Chuyên gia Jaechul Chang của Ngân hàng Citigroup cảnh báo, bất ổn chính trị có thể khiến Quốc hội Hàn Quốc trì hoãn thông qua ngân sách cho tài khóa 2017 cũng như đe dọa làm chậm lại đà hồi phục kinh tế đất nước. Dù vậy, nhà bình luận chính trị Choi Chang-ryul của Trường Đại học Yong In (Hàn Quốc) cho rằng, khả năng phe đối lập tìm cách thúc ép bà từ chức là không cao. Lý do là không có gì bảo đảm họ sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra trong vòng 60 ngày nếu như nữ Tổng thống ra đi.

Tổng thống Park Geun-hye đang ở năm thứ tư cầm quyền của nhiệm kỳ 5 năm và cuộc khủng hoảng chính trị này đe dọa sẽ ảnh hưởng nặng nề tới khả năng đưa ra các quyết sách của bà. Nghiêm trọng hơn, biến cố chính trường vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại và có khả năng ảnh hưởng lớn tới các vấn đề tầm cỡ quốc gia của Hàn Quốc vào thời điểm nước này phải đối mặt với nhiều vấn đề như an ninh, kinh tế, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, đà tăng trưởng kinh tế thấp và xuất khẩu giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cơn bão" trên chính trường Hàn Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.