Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàn Quốc trong “cơn lốc xoáy”

Hoàng Linh| 16/11/2016 06:30

(HNM) - Những ngày qua cơn địa chấn chính trị vẫn tiếp tục khuấy động chính trường Hàn Quốc. Quốc hội nước này vừa phê chuẩn việc bổ nhiệm một công tố viên độc lập chịu trách nhiệm điều tra vụ bê bối chính trị liên quan đến Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil.


Theo đó, đảng đối lập chính Minjoo và đảng Nhân dân sẽ đề cử các ứng cử viên công tố độc lập. Riêng đảng cầm quyền Saenuri không được đề cử ứng viên. Tổng thống Park Geun-hye được chọn một công tố viên đặc biệt trong số các ứng cử viên do Quốc hội đề cử. Công tố viên được chỉ định này cùng với 4 phó công tố, 20 công tố viên do cơ quan công tố cử tới và 40 điều tra viên đặc biệt sẽ tiến hành điều tra vụ bê bối chính trị trên trong thời gian tối đa 120 ngày.

Người dân tham gia tuần hành yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức.


Về phần mình, Tổng thống Park Geun-hye đã chọn luật sư Yoo Yeong-ha, cựu thành viên thường trực Ủy ban Quốc gia về quyền con người Hàn Quốc, làm người đại diện pháp lý. Sau khi nhận trọng trách, ngày 15-11, luật sư mới của bà Park Geun-hye ngay lập tức lên tiếng trước báo giới cho rằng, việc điều tra một Tổng thống đương nhiệm là không phù hợp và những câu hỏi của các công tố viên “nên được đưa ra ở mức tối thiểu". Tuy nhiên, ông Yeong-ha cũng khẳng định Tổng thống luôn sẵn sàng đối mặt với các cuộc điều tra. Hiện các công tố viên đã bày tỏ hy vọng có thể thẩm vấn trực tiếp bà chủ Nhà Xanh vào ngày 16-11.

Vụ bê bối đang khiến chính quyền của nữ Tổng thống đầu tiên tại Hàn Quốc chao đảo. Bà Park Geun-hye cũng phải đối mặt với sức ép lớn từ dư luận và Quốc hội, đòi bà phải từ chức. Tỷ lệ ủng hộ đối với nữ chủ nhân Nhà Xanh xuống mức thấp kỷ lục - chỉ đạt 5% trong suốt 2 tuần đầu tháng 11. Mới đây hơn 850.000 người đã xuống đường tuần hành tại Seoul trong một cuộc biểu tình phản đối chính phủ lớn nhất tại xứ sở Kim chi kể từ tháng 6-1987 yêu cầu bà Park Geun-hye phải rời nhiệm sở.

Sau sự kiện này, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc phát đi thông báo cho biết, lãnh đạo đảng Minjoo đối lập Choo Mi-ae đề xuất tổ chức các cuộc đối thoại song phương với Tổng thống nhằm đưa Hàn Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị. Đây được xem là động thái thiện chí của đảng đối lập nhưng chi tiết về các cuộc đàm phán tới lúc này vẫn chưa rõ ràng.

Hiện nay, các công tố viên vẫn tiếp tục điều tra xem bà Park Geun-hye có gây sức ép để buộc lãnh đạo các tập đoàn của Hàn Quốc đóng góp cho 2 quỹ phi lợi nhuận do người bạn thân Choi Soon-sil sáng lập hay không. Bản thân bà Choi cũng đã bị tạm giữ từ ngày 31-10 để phục vụ điều tra với các cáo buộc lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống để can thiệp vào công việc quốc gia và gây ảnh hưởng với các tổ chức văn hóa và thể thao.

Lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc - trong đó có cả Chủ tịch tập đoàn ô tô Hyundai Chung Mong-koo và Chủ tịch tập đoàn Hanjin Choo Yang-ho - đều đã bị thẩm vấn cuối tuần trước, trong khi một số văn phòng của Samsung tại Seoul đã bị kiểm tra. Theo báo chí Hàn Quốc, Hyundai và Samsung đã đóng góp khoảng 70 triệu USD cho các quỹ do bà Choi thành lập.

Bên cạnh những bất ổn xã hội, bê bối chính trị lần này đang tác động phức tạp tới các mối quan hệ đối ngoại của Hàn Quốc. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Cho Joon-hyuk, Tổng thống Park Geun-hye đã quyết định không tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru. Đây là lần đầu tiên APEC vắng bóng người đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc.

Với vòng xoáy bê bối vẫn đang mở rộng, việc Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc có thể tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ba bên như đã dự kiến vào cuối tháng này hay không cũng trở nên khó đoán định. Trong trường hợp Tổng thống Park Geun-hye vẫn không thể tham dự, nhiều khả năng sự kiện khó có thể diễn ra. Do vậy, cơn lốc chính trị đang bao trùm Nhà Xanh không chỉ đe dọa sự nghiệp của nữ Tổng thống 64 tuổi, gây chấn động đời sống kinh tế, xã hội Hàn Quốc mà còn tác động đến những nỗ lực hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như thúc đẩy hợp tác trong khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hàn Quốc trong “cơn lốc xoáy”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.