Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Nga - Nhật Bản: Kỳ vọng bước đột phá

Thùy Dương| 15/12/2016 05:23

(HNM) - Bất chấp những sóng gió gần đây giữa hai nước liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chuyến thăm hai ngày 15 và 16-12 tới Nhật Bản của Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện kỳ vọng về tiến bộ trong quan hệ với đất nước Mặt trời mọc.

Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Nga V.Putin đang thu hút sự quan tâm của dư luận.


Theo kế hoạch, Tổng thống V.Putin sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe tại tỉnh Yamaguchi để thảo luận các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ và hiệp ước hòa bình. Sau đó, hai nhà lãnh đạo sẽ tới thủ đô Tokyo để tham gia các cuộc hội đàm với nội dung chủ yếu về hợp tác kinh tế. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống V.Putin tới Nhật Bản kể từ năm 2005. Chuyến thăm có thể coi là sự kiện giúp hâm nóng mối quan hệ vốn đang có phần nguội lạnh giữa hai nước do tranh cãi về chủ quyền đối với quần đảo mà Mátxcơva gọi là Nam Kurils còn Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc nằm ở phía Đông Bắc đảo Hokkaido (Nhật Bản). Nga tuyên bố mọi hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kurils đều thuộc lãnh thổ Nga còn Nhật Bản cho rằng 4 hòn đảo ở cực Nam thuộc chủ quyền của họ. Cuộc tranh chấp kéo dài giữa hơn 70 năm qua đã khiến Nga và Nhật Bản chưa thể ký hiệp ước hòa bình chính thức để kết thúc tình trạng đối đầu trong Thế chiến II. Vì thế, giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ được coi là bước đi quan trọng mà cả hai phía cần giải quyết.

Trong khi những tranh cãi về chủ quyền lãnh thổ vẫn chưa được giải quyết thì mối quan hệ Nga - Nhật lại tiếp tục bị kéo căng do những bất đồng liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Hồi tháng 7 vừa qua, Tokyo đã công bố một số lệnh trừng phạt nhằm vào Mátxcơva dẫn tới việc Nga công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với một số công dân Nhật Bản. Phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây, Thủ tướng S.Abe đã tỏ rõ quyết tâm hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ hai nước. Cho dù thừa nhận việc cùng đạt được hiệp ước hòa bình là “thử thách khó khăn nhất” nhưng Thủ tướng S.Abe cho rằng điều đó cũng không thể ngăn cản quyết tâm của hai nước trong việc hoàn thành “sứ mệnh lịch sử này” và đây là điều không thể bị trì hoãn cho tới tận thế hệ sau. Cải thiện quan hệ với Nhật Bản cũng phù hợp với lợi ích chính trị của nước Nga, với mục tiêu nổi bật của ngoại giao Nga là góp phần tạo dựng một trật tự thế giới “đa cực”, trong đó Mátxcơva là một cực quan trọng. Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Nga đã thực hiện chính sách ngoại giao đa phương và đặc biệt đặt trọng tâm vào củng cố quan hệ với các nước lớn, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản. Nga và Nhật Bản đang có nhiều mối ràng buộc trong lĩnh vực năng lượng và phát triển kinh tế. Mátxcơva đang có kế hoạch tăng gấp đôi lượng khí đốt và dầu mỏ sang thị trường Châu Á trong vòng 20 năm tới sau khi “quay mặt” với thị trường truyền thống Châu Âu do cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong khi đó, điều này lại được xem là sẽ mở rộng cánh cửa cơ hội đối với Nhật Bản, nước đang gia tăng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch để giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghiệp năng lượng hạt nhân vốn đã bị suy yếu sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011.

Với những lợi ích đó, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà lãnh đạo Nga khẳng định xứ Bạch dương sẵn sàng thảo luận về việc duy trì hoạt động kinh tế chung với Nhật Bản trên các đảo tranh chấp, song các hoạt động này phải được thực hiện trong phạm vi chủ quyền của Nga. Về phía Nhật Bản, ông S.Abe nhận thức rằng việc bình thường hóa quan hệ Nhật - Nga là một trong những thành tựu ngoại giao lớn giúp ông ghi dấu ấn cá nhân trên chính trường, đồng thời cũng nhìn thấy lợi ích chiến lược. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, Nhật Bản rất cần sự ủng hộ của Nga đối với nỗ lực để trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vì thế, theo các nhà phân tích, rất có thể có bước “đột phá” sau chuyến thăm của Tổng thống Nga V.Putin, khi quan hệ hai nước đang có xu hướng “ấm lên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Nga - Nhật Bản: Kỳ vọng bước đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.