Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắt chặt quan hệ đồng minh

Hoàng Linh| 28/12/2016 06:41

(HNM) - Ngày 26-12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới Honolulu (Hawaii) trong chuyến thăm Trân Châu Cảng, căn cứ Hải quân Mỹ bị Nhật Bản tấn công năm 1941, với hy vọng hủy diệt sức mạnh của Washington ở Thái Bình Dương trong giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ II.

Ông Shinzo Abe là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Nhật Bản tới thăm chính thức Trân Châu Cảng.



Tuy nhiên, cuộc tấn công này đã khiến Mỹ quyết định tham chiến, dẫn tới sự thất bại của phát xít Nhật Bản vào năm 1945, với sự kiện hai quả bom nguyên tử ném xuống các TP Hiroshima và Nagasaki. Chuyến thăm của ông S.Abe cũng diễn ra sau khi ông Barack Obama trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm TP Hiroshima cách đây 7 tháng.

Trước đây, đã có 3 Thủ tướng Nhật Bản tới Trân Châu Cảng. Tuy nhiên, ông S.Abe là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của xứ sở Hoa anh đào tới Nghĩa trang Tưởng niệm quốc gia Thái Bình Dương - nơi yên nghỉ của 1.177 quân nhân Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công năm xưa - để cầu nguyện cho những người đã khuất trên đài tưởng niệm xây trên chiến hạm USS Arizona. Trong cuộc tấn công sáng 7-12-1941, USS Arizona bị trúng bom, nổ tung và chìm một cách bi thảm khiến toàn bộ 1.177 thủy thủ đoàn thiệt mạng. Tại buổi lễ, ông S.Abe không phát biểu mà chỉ đứng mặc niệm. Tuy nhiên điều này đã làm nên sự khác biệt khi những Thủ tướng Nhật Bản trước đó đến đây cũng chưa từng tưởng niệm nạn nhân trận Trân Châu Cảng. Lý do được giới phân tích cho rằng xuất phát từ tâm lý lo ngại việc đơn phương thừa nhận trách nhiệm trong cuộc chiến tranh Nhật - Mỹ sẽ bị phê phán là "ngoại giao xin lỗi".

Với chuyến thăm lần này, Tokyo mong muốn thắt chặt mối quan hệ đồng minh chiến lược với Washington trong bối cảnh tình hình an ninh tại khu vực và thế giới có nhiều biến động. Phát biểu với báo giới trước đó, ông S.Abe cũng khẳng định nước Nhật sẽ không lặp lại những bi kịch tàn phá của chiến tranh, đồng thời cho biết sẽ cùng Tổng thống B.Obama duy trì mối quan hệ hợp tác bền chặt, mối quan hệ được mô tả là “liên minh của hy vọng”. Đối với Mỹ, chuyến thăm Trân Châu Cảng sẽ là sự thành công của nỗ lực hòa giải “biến thù thành bạn”, làm dịu tâm lý bảo thủ đối với cuộc tấn công Trân Châu Cảng của quân đội Nhật Bản trước đây trong nội bộ Mỹ. Đây cũng là lần gặp gỡ cuối cùng giữa ông S.Abe và ông B.Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ trước khi ông rời nhiệm sở. Qua đó, nhà lãnh đạo xứ sở Mặt trời mọc có cơ hội để nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của mối quan hệ giữa Tokyo và Washington, gửi đi thông điệp rõ ràng về sự hòa hợp Mỹ - Nhật Bản trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức (từ cuối tháng 1-2017).

Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng nhằm thiết lập tiền đề cho hợp tác những năm sắp tới, đặc biệt sau khi ông chủ tương lai của Nhà Trắng từng khẳng định sẽ hủy bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và yêu cầu các nước đồng minh phải tăng cường chia sẻ chi phí duy trì lực lượng bảo vệ. Trong suốt 4 năm tại nhiệm, ông S.Abe cũng đã nỗ lực hết mình trong thắt chặt quan hệ với Washington cùng với nới lỏng các giới hạn của hiến pháp hòa bình và tăng chi tiêu quốc phòng. Mới đây, ngày 22-12, Tokyo cũng đã thông qua nguyên tắc chỉ đạo theo luật an ninh mới khi cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) bảo vệ các tàu chiến Mỹ trong trường hợp cần thiết.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống đắc cử Mỹ D.Trump sau khi vị tỷ phú này giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tháng 11-2016. Tuy nội dung chi tiết của cuộc thảo luận không được tiết lộ, song Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ Kenichiro Sasae cho biết, hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc trao đổi với phạm vi rộng bao trùm nhiều vấn đề của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu. Cuộc thảo luận cũng đề cập đến vấn đề kinh tế. Sau cuộc gặp, hai bên đã nhất trí về tầm quan trọng của liên minh Nhật - Mỹ cũng như về triển vọng tăng cường hợp tác song phương. Cùng với chuyến đi đến địa danh lịch sử Trân Châu Cảng, có thể thấy những tín hiệu tích cực từ cả Tokyo và Washington đang báo hiệu rằng tương lai quan hệ đồng minh gần gũi này sẽ không thay đổi theo chiều hướng xấu, cho dù đó là bất kỳ ai lên nắm chính quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thắt chặt quan hệ đồng minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.