Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - phương Tây: Sóng gió từ sự ngờ vực

Quang Huy| 30/12/2016 06:29

(HNM) - Trái với bầu không khí đang ấm dần lên với Nga, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây tiếp tục có chiều hướng xấu đi. Trong một động thái gây sóng gió, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa tuyên bố đã có bằng chứng rõ ràng về việc liên quân do Mỹ đứng đầu hỗ trợ cho các nhóm khủng bố ở Syria, trong đó

Cuộc khủng hoảng di cư tại Châu Âu có thể gây căng thẳng cho quan hệ EU và Thổ Nhĩ Kỳ.


Tổng thống R.Erdogan khẳng định, ông có trong tay những hình ảnh và video để chứng minh cho cáo buộc này, nhấn mạnh Mỹ từng buộc tội Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ IS thông qua việc mua bán dầu mỏ và các tài sản cướp bóc được, nhưng chính Washington lại đang hỗ trợ các nhóm khủng bố như IS. Ông R.Erdogan cho rằng, việc Mỹ ủng hộ Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) là dung dưỡng cho khủng bố và chỉ trích liên quân do Mỹ đứng đầu không giữ những cam kết trong cuộc chiến chống IS. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bác bỏ những thông tin trên, đồng thời chỉ trích đây là phát ngôn "lố bịch" và không có căn cứ.

Trong khi đó, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU cũng không hề có dấu hiệu tốt lên khi Nghị viện Châu Âu vừa nhất trí đóng băng tạm thời tiến trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Quyết định được thông qua trong bối cảnh EU chỉ trích gay gắt chiến dịch trấn áp của chính quyền Ankara sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7. Ngay lập tức, Tổng thống R.Erdogan đã vô cùng tức giận tuyên bố Nghị viện Châu Âu cần hành xử phù hợp với vị trí của mình và ngừng can thiệp vào công việc chính trị nội bộ của nước này. Nhà lãnh đạo quốc gia ở hai lục địa Á - Âu còn đe dọa mở cửa biên giới cho người di cư tràn sang Châu Âu để trả đũa.

Rõ ràng, sự ngờ vực là yếu tố then chốt khiến phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ không thể xích lại gần nhau, đẩy quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng có quá nhiều hồ sơ quan trọng phụ thuộc vào cuộc đối thoại giữa hai bên từ cuộc chiến Syria, ngăn chặn dòng người nhập cư, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cả vấn đề người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với EU, việc mất quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ để lại những hệ luỵ lớn. Trước hết là thỏa thuận ngăn chặn dòng người di cư có thể bị hủy bỏ. Nếu xảy ra, đây sẽ là tiền đề cho một cuộc khủng hoảng người di cư lần thứ hai.

Không chỉ có vậy, phương Tây có thể sẽ mất đi một đồng minh và “rước” thêm một đối thủ. Khi hy vọng gia nhập EU đang dần mờ mịt, Ankara phải có những lựa chọn khác để thực hiện mục tiêu khẳng định tầm quan trọng của mình ở khu vực. Thực tế rõ ràng nhất là việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xích lại gần Nga. Thời gian qua, Ankara và Mátxcơva đã tăng cường hợp tác trên nhiều phương diện mà thành tựu mới nhất là kế hoạch ngừng bắn chung trên toàn bộ lãnh thổ Syria thiết lập ngày 28-12. Ngoài ra, Tổng thống R.Erdogan hồi đầu tháng 12 đã tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không nên “lưu luyến” việc gia nhập EU mà sẽ cân nhắc ý định gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), đồng thời cho biết nước này đang tiến hành các bước để việc giao dịch thương mại với Trung Quốc, Nga và Iran có thể được tiến hành bằng đồng nội tệ.

Tuy nhiên, mong muốn trở thành một thành viên của ngôi nhà chung EU đã là mơ ước của Ankara từ lâu nay vì điều này cũng sẽ tạo cho Thổ Nhĩ Kỳ những lợi ích rõ ràng và một vị thế chính trị khác biệt. Thế nhưng, để dẹp bỏ những bất đồng và hướng tới hòa hợp trong điều kiện hiện nay là một chặng đường dài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - phương Tây: Sóng gió từ sự ngờ vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.