Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ triển khai quân đến Ba Lan: Chiêu trò chiến lược của Nhà Trắng

Thùy Dương| 15/01/2017 07:26

(HNM) - Quan hệ giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng căng thẳng, khi mới đây Ba Lan tiếp nhận hàng nghìn binh sĩ Mỹ cùng xe tăng và các thiết bị quân sự hạng nặng...

Binh sĩ Mỹ triển khai quân và phương tiện chiến đấu tới Ba Lan.


Việc đưa binh sĩ và xe tăng đến Ba Lan được coi là cuộc triển khai quân sự lớn nhất của Mỹ tại Châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đến nay, với khoảng 2.700 binh sĩ, 80 xe tăng và 144 xe bọc thép Bradley.

Kế hoạch này là một phần trong chiến dịch Atlantic Resolve (Quyết tâm Đại Tây Dương) được Mỹ phát động vào tháng 4-2014, ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Toàn bộ lực lượng được triển khai chủ yếu ở phần phía Tây của Ba Lan, song cũng sẽ tham gia các cuộc tập trận ở vùng biển Baltic vào cuối tháng này, sau đó sẽ được phân bổ đến Bulgaria, Romania và các nước vùng Baltic là Estonia, Litva và Latvia. Một đơn vị đầu não sẽ đóng ở Đức.

Sự điều chỉnh chiến lược này được NATO thông qua nhằm đối phó với Nga sau khi mối quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU), NATO, Mỹ với Nga trở nên đối địch kể từ sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine và Nga tiếp nhận Crimea cách đây 3 năm. Thực tế cho thấy, sự quyết đoán của Nga cũng như sự trỗi dậy của lực lượng nổi dậy thân Mátxcơva tại miền Đông Ukraine đã khiến nhiều quốc gia thành viên NATO lo ngại. Do vậy, chính quyền của Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ Barack Obama mong muốn tái trấn an các đồng minh của NATO tại sườn phía Đông của Châu Âu, trước sự gia tăng ảnh hưởng của Nga.

Dù Mỹ thông báo rằng đây là những cuộc “luân chuyển quân” bình thường, nhưng các cuộc điều binh trên lại giúp hình thành những cụm quân có quy lớn nhất của NATO từ trước tới nay, ngay sát sườn phía Đông giáp biên giới với Nga. Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn chiến lược có trụ sở ở Washington (Mỹ) lập luận rằng, do bố trí quân sự của NATO ở Đông Âu chưa đủ để ứng phó với sự tấn công của Nga, nên NATO cần chuẩn bị để có thể trả đũa hữu hiệu nhất khi Nga ra tay.

Quan trọng hơn, hành động triển khai quân của Mỹ được coi là nỗ lực nhằm buộc chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump phải tiếp tục chiến lược này. Trước đó, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ từng tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ với Nga và giảm cam kết với NATO. Thế nên, chính quyền tiền nhiệm của ông D.Trump đã “đi trước một bước”, như chiêu trò chiến lược vừa đặt vị tỷ phú New York trước sự đã rồi, vừa nhằm trấn an NATO và cũng để răn đe Nga.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Nga phản ứng mạnh trước kế hoạch Mỹ điều quân đến sát biên giới. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Điện Kremlin coi đây là một bước đi gây hấn của Mỹ dọc đường biên giới nước này. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, mục đích mà Mỹ và các đồng minh cố gắng xây dựng một mặt trận chống Nga theo mô hình Chiến tranh Lạnh là nhằm bảo vệ trật tự thế giới đơn cực, duy trì sự thống trị trên toàn cầu của Washington.

Theo ông Lavrov, dù Nga đang tìm kiế́m chính sách ngoại giao, quân sự cân bằng để bảo vệ lợi ích quốc gia bên ngoài lãnh thổ nhưng Mátxcơva sẽ không cho phép bất cứ ai xâm hại đến lợi ích quốc gia và sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả thích đáng. Trước đó, Nga đã hai lần đưa tên lửa Iskander - loại tên lửa có tầm bắn lên đến gần 500km đủ sức vươn tới Ba Lan và Đức - đến Kaliningrad sát với các nước Baltic.

Sau rất nhiều hành động cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên, các mũi tên xung kích của NATO và các nước thành viên tổ chức quân sự này vẫn tiếp tục được chĩa vào Mátxcơva. Với sự cương quyết, cứng rắn của Nga, cuộc đối đầu NATO - Nga không ngừng nóng lên khiến dư luận lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ triển khai quân đến Ba Lan: Chiêu trò chiến lược của Nhà Trắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.