Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắp lên hy vọng hòa bình

Quang Huy| 17/01/2017 07:29

(HNM) - Trong bối cảnh tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào ngõ cụt, khoảng 70 quốc gia, trong đó có nhiều nước có vai trò chủ chốt ở Châu Âu, cộng đồng các nước Ả rập và các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tụ họp tại Paris, tham dự hội nghị hòa bình Trung Đông

Giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất cho hòa bình Trung Đông.


Hội nghị quốc tế này không có sự tham gia của Israel và Palestine nhưng sự có mặt của đông đảo đại diện các quốc gia, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho thấy mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng thế giới đối với việc thúc đẩy tiến trình hòa bình đang bị ngưng trệ. Trong khi Tel Aviv gọi cuộc gặp gỡ này là “vô ích và gian lận” thì phía Palestine hoan nghênh hội nghị được xem như là những tiếng nói ủng hộ hòa bình và đối thoại. Khai mạc hội nghị, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault khẳng định: "Trách nhiệm tập thể của chúng ta là đưa người Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán. Chúng tôi biết đó là việc khó, nhưng liệu có gì khác thay thế được?".

Sau nhiều thập kỷ xung đột, rõ ràng hòa đàm là con đường duy nhất để cộng đồng quốc tế thực hiện lời hứa trao cho người Palestine một quốc gia độc lập và có chủ quyền đã bị lỗi hẹn quá lâu. Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, các quốc gia đã kêu gọi Israel và Palestine “nhắc lại cam kết của hai bên đối với giải pháp hai nhà nước" và tránh xa những ý kiến phản đối điều này. Bản tuyên bố cũng kêu gọi hai bên không nên có những hành động đơn phương có khả năng làm ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán. Đây được xem như một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Israel cũng như chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, nhằm gìn giữ những hy vọng cho một giải pháp cùng chung sống hòa bình giữa Israel và Palestine.

Liên quan đến vấn đề chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump dự định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem, phát biểu kết thúc hội nghị, Ngoại trưởng Pháp cho rằng đây sẽ là một "hành động khiêu khích" và là mối đe dọa tới các nỗ lực hòa bình. Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh, giải pháp hai nhà nước đang trở nên lu mờ về cả mặt lý thuyết lẫn thực tiễn và nếu để vuột mất cơ hội này thì đây sẽ là mối đe dọa lớn đối với an ninh ở Trung Đông.

Trên thực tế, tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine đã nhiều lần rơi vào bế tắc. Những hành động mở rộng các khu định cư Do Thái trên phần đất chiếm đóng của người Palestine mà ngay cả Mỹ cũng lên án mạnh mẽ đã hủy hoại những cố gắng của Tổng thống Barack Obama nhằm giải quyết cuộc xung đột này. Hiện có hơn 500.000 người Israel sống ở Đông Jerusalem và Bờ Tây trong các khu định cư mà hầu hết các chính phủ trên thế giới xem là bất hợp pháp, trong đó có cả Washington. Nhà Trắng vẫn giữ quan điểm đó khi có quyết định lịch sử là bỏ phiếu trắng về nghị quyết của HĐBA LHQ lên án Israel mở rộng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine vào tháng 12-2016. Đây được xem là một thắng lợi ngoại giao của chính quyền Tổng thống Mahmoud Abbas khi nghị quyết đã khẳng định rõ ràng chủ quyền, xác định ranh giới về một quốc gia Palestine độc lập trong tương lai.

Với tuyên bố Paris, một lần nữa hy vọng hòa bình của người Palestine lại được thắp lên. Cuộc gặp gỡ tại Paris cũng là sự tiếp nối của một xu hướng tích cực trong cộng đồng thế giới. Kể từ sau thời điểm LHQ công nhận Palestine là một Nhà nước phi thành viên vào ngày 30-11-2012, ngày càng có nhiều quốc gia Châu Âu ủng hộ đất nước đang bị đối xử bất công này. Thụy Sĩ là thành viên Liên minh Châu Âu đầu tiên tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine. Anh, Pháp, Tây Ban Nha... cũng đã có những quyết định tương tự, đưa số quốc gia trên thế giới công nhận Nhà nước Palestine lên con số 138.

Do vậy, với kết quả mà Tổng thống Pháp F.Hollande cho rằng đã "tái khẳng định cam kết của cộng đồng quốc tế đối với giải pháp hai nhà nước và sử dụng nó làm điểm tham chiếu cho mọi cuộc đàm phán”, Hội nghị Paris thể hiện mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng quốc tế về việc chấm dứt xung đột, thành lập một đất nước Palestine độc lập - yếu tố quan trọng để mang đến hòa bình lâu dài cho khu vực Trung Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thắp lên hy vọng hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.