Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bàn cách hóa giải thách thức với EU

Quang Huy| 23/02/2017 06:41

(HNM) - Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có chuyến thăm Tây Ban Nha trong bối cảnh đặc biệt khi Châu Âu đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ việc Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, bất ổn an ninh, khủng bố, khủng hoảng di cư cho đến sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy.

Tổng thống Pháp F.Hollande (trái) và Thủ tướng Tây Ban Nha M.Rajoy.



Phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh ở TP Malaga, miền Nam Tây Ban Nha với người đồng cấp nước chủ nhà Mariano Rajoy, Tổng thống Pháp F.Hollande đã đưa ra cảnh báo, những nước Châu Âu do các nhân vật theo chủ nghĩa dân túy nắm quyền sẽ phải đối mặt với tình trạng sụt giảm việc làm, đầu tư và xuất khẩu bởi chủ trương đưa đất nước rời khỏi liên minh. Ông F.Hollande cho rằng, các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc lên nắm quyền không chỉ ảnh hưởng đến sự thống nhất Châu Âu mà còn đe dọa "những lợi ích quốc gia mà họ cam kết đại diện".

Cảnh báo của ông chủ Điện Elysee được đặc biệt quan tâm bởi ở nhiều nước EU, các ứng cử viên dân túy đang nhận được sự ủng hộ lớn của người dân. Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Pháp Marine Le Pen và lãnh đạo đảng cánh hữu Tự do tại Hà Lan Geert Wilders đang giành được tỷ lệ ủng hộ cao trong các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc bầu cử sắp diễn ra tại hai quốc gia này. Tại hàng loạt quốc gia khác như Đức, Áo, chủ nghĩa dân túy cũng đang lan rộng.

Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cũng đang chạy đua cho nhiệm kỳ lãnh đạo tiếp theo trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 9 và cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ đảng dân túy cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức. Các ứng cử viên theo chủ nghĩa dân tộc cũng "ấp ủ" những kế hoạch đe dọa đến sự thống nhất của EU. Tại Pháp, bà Marine Le Pen đang nỗ lực tiến hành chiến dịch tranh cử tổng thống với khẩu hiệu về một nước Pháp "tự do". Trong 144 cam kết, nữ chính trị gia đề xuất việc đất nước hình Lục lăng sẽ rời khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), áp thuế đối với các hợp đồng lao động của người nước ngoài, giảm độ tuổi nghỉ hưu, tăng một số phúc lợi trong khi giảm thuế thu nhập cũng như thuế đánh vào các doanh nghiệp nhỏ.

Những chính sách này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định mà EU đã tạo ra trong hàng thập kỷ. Trước nguy cơ đó, ông F.Hollande chỉ ra rằng những nhân vật dân túy có tư tưởng hoài nghi Châu Âu lên nắm quyền sẽ kéo theo kịch bản "xuất khẩu giảm, đầu tư ít hơn kéo theo việc làm sụt giảm đáng kể". Theo ông, chủ trương đưa đất nước ra khỏi EU mà các ứng cử viên Le Pen và Wilders ủng hộ đồng nghĩa với việc chấm dứt trao đổi thương mại dẫn tới việc làm giảm tốc độ tăng trưởng, tăng trưởng thấp và tự do bị hạn chế.

Trong khi đó, bàn về vấn đề Brexit, Thủ tướng Tây Ban Nha M.Rajoy cho rằng "đây là thời kỳ của EU 27". Với việc Anh tiến hành những thủ tục nội bộ trước khi thông báo về việc kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, các nước Châu Âu cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho các trường hợp xảy ra cũng như tăng cường gắn kết trong liên minh. Thủ tướng Tây Ban Nha khẳng định, vấn đề lớn nhất của Châu Âu ngay lúc này là Brexit. Do vậy, điều mà châu lục cần là thúc đẩy sự gắn kết và hội nhập hơn nữa. Đây là lý do khiến Tổng thống Pháp mời ông M.Rajoy tham dự cuộc họp thượng đỉnh 4 nước hàng đầu EU vào ngày 6-3 tại TP Versailles, cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng, 4 trụ cột EU sẽ một lần nữa định nghĩa lại Châu Âu và cùng nhau quyết định tương lai của Cựu lục địa.

Cuộc gặp sắp tới giữa những thành viên chủ chốt của EU diễn ra ngay trước thềm cuộc họp của Hội đồng Châu Âu và cuộc gặp thượng đỉnh kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome ra đời đặt nền tảng cho EU. Tại đây, một lần nữa các quốc gia EU sẽ thảo luận về tương lai mới, một hướng đi thích hợp cho những gì mà họ đã xây dựng cách đây 6 thập kỷ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn cách hóa giải thách thức với EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.