Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những lỗ hổng an ninh đáng lo ngại

Phương Quỳnh| 10/04/2017 06:13

(HNM) - Sau Nice (Pháp), Berlin (Đức), London (Anh), phương thức khủng bố kinh hoàng bằng xe tải đã lan tới Stockholm (Thụy Điển). Những vụ tấn công kiểu này tiếp tục làm gia tăng mối lo ngại về bất ổn an ninh tại Lục địa già.

Ba ngày sau thảm kịch khiến người dân Thụy Điển bàng hoàng, hiện tại, cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành thu thập mọi chứng cứ liên quan để sớm đưa ra kết luận chính xác về vụ khủng bố. Theo thông tin từ cảnh sát, nghi phạm từng có tên trong tài liệu tình báo nhưng lại được coi là một “đối tượng không nguy hiểm”. Điều này cho thấy, các nhóm khủng bố đã liên tục khai thác cùng một lỗ hổng an ninh chưa tìm được biện pháp khắc phục tại nhiều quốc gia Châu Âu thời gian qua.

Cảnh hoảng loạn tại khu vực xảy ra vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở Stockholm (Thụy Điển).


Trước đó, xuất phát từ nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng, Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua luật hình sự hóa tất cả các hoạt động khủng bố, luật kiểm soát súng ngắn và luật về chia sẻ dữ liệu hành khách đi máy bay (EU PNR). EU cũng đã triển khai lực lượng biên phòng và tuần tra bờ biển, đồng thời thành lập trung tâm chống khủng bố trực thuộc cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol). Ủy ban Châu Âu đồng thời đã thông qua Chiến lược An ninh liên minh năm 2016.

Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 6 nước áp dụng luật này. Các nhà lãnh đạo EU cũng đã từng công bố chiến lược chống khủng bố bao gồm 88 giải pháp, kể cả tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài, ngăn chặn nguồn cung cấp tài chính và tuyển nhân lực của các tổ chức khủng bố, ngăn chặn hình thành các thế hệ khủng bố mới. Nhưng hiện tại, tính hiệu quả của những giải pháp này vẫn là câu hỏi lớn. Các vụ tấn công mang yếu tố cực đoan vẫn xảy ra ở Pháp, Bỉ, Đức trong 2 năm qua mà không thể ngăn chặn mặc dù lực lượng chức năng các nước đã đưa nhiều nghi phạm vào danh sách giám sát chặt chẽ.

Đầu năm 2017, một báo cáo nội bộ dài 82 trang của Ủy ban Điều tra thuộc Nghị viện Bỉ bị rò rỉ đã phân tích về thất bại của các cơ quan chức năng nước này khi để xảy ra vụ tấn công ngày 22-3 tại Brussels. Báo cáo nêu rõ, cảnh sát Bỉ đã không thông báo cho cơ quan chống khủng bố tài chính về các giao dịch chuyển tiền đáng ngờ của các đối tượng đứng sau vụ khủng bố ở Paris và Brussels. Một báo cáo khác của lực lượng an ninh EU cũng nhấn mạnh tới sự khác biệt về năng lực của cơ quan an ninh các nước EU trong việc theo dõi sự di chuyển của những nghi phạm khủng bố.

Một lỗ hổng nữa từng được đề cập lâu nay là việc thiếu cơ chế chia sẻ thông tin tình báo, nhất là giữa các cơ quan tình báo và an ninh. Malta, nước hiện đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên EU, hồi tuần trước đã khẳng định, hệ thống dữ liệu thông tin của lực lượng cảnh sát đã tăng lên 34% chỉ tính từ 2016 đến nay. Tuy nhiên, chất lượng của thông tin và năng lực của các quốc gia thành viên trong việc phân tích dữ liệu này không được nhắc tới.

Theo giới phân tích, vụ khủng bố mới nhất là dấu hiệu vô cùng đáng lo ngại vì nó xảy ra tại thủ đô của Thụy Điển, một đất nước vốn nổi tiếng là yên bình và hầu như không có dấu hiệu cảnh báo nào về an ninh. Điều này cũng cho thấy, phạm vi hoạt động của các lực lượng khủng bố đã được mở rộng từ Tây Âu sang Bắc Âu, nơi vẫn được coi là một trong những địa bàn an toàn và ổn định nhất thế giới.

Trước đó, quan ngại về nguy cơ bất ổn an ninh gia tăng, các nước Châu Âu đã phải điều chỉnh áp dụng Luật Schengen, qua đó tăng cường kiểm soát nhân thân công dân Châu Âu qua lại biên giới khu vực tự do đi lại Schengen. Mọi công dân đều phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân để cơ quan chức năng xác minh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các chiến binh nước ngoài.

Tuy nhiên, biện pháp này cũng không thể phát huy hiệu quả khi gốc rễ của vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Những diễn biến mới nhất tại Châu Âu đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia cùng những giải pháp lâu dài để có thể bảo đảm an ninh cho khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những lỗ hổng an ninh đáng lo ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.