Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cơn ác mộng” của United Airlines

Lê Trang| 16/04/2017 06:48

(HNM) - Hãng Hàng không United Airlines, Mỹ đã liên tiếp gặp phải những chỉ trích từ giới truyền thông và sự đáp trả mạnh mẽ từ khách hàng.

Sự việc xảy ra trên chuyến bay số hiệu 3411 và nhanh chóng tạo cơn sốt trên mạng xã hội nhờ video của những hành khách khác trên chuyến bay. Theo đó, một người đàn ông được cho là một bác sĩ gốc Á có tên David Dao, bị các nhân viên của hãng này hành hung và kéo lê trên sàn máy bay bởi phi cơ quá tải. Theo Người phát ngôn của United Airlines, chuyến bay 3411 cần 4 hành khách tình nguyện rời máy bay vì không có đủ chỗ cho thành viên phi hành đoàn ngồi. Ông David Dao là một trong số các hành khách bị chọn, nhưng kiên quyết từ chối rời máy bay vì đã có lịch hẹn với bệnh nhân vào buổi sáng hôm sau và hãng bay đã sử dụng vũ lực để can thiệp.



Theo Luật Hàng không Mỹ, các hãng hàng không nước này có quyền được loại các hành khách ra khỏi máy bay và đền bù một khoản tiền thích hợp. Chính vì vậy, các hãng hàng không thường bán ra một lượng vé khổng lồ để dự trù cho những ghế trống và những hành khách bỏ chuyến. Trường hợp này, phía United Airlines cũng đã đưa ra phương án đền bù cho hành khách (800 USD). Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận thật sự bức xúc chính là cách hành xử thô bạo của nhân viên đối với khách hàng.

Nghiêm trọng hơn, sau khi đoạn video được đăng tải và làm dậy sóng trên mạng xã hội, Giám đốc điều hành (CEO) của United Airlines Oscar Munoz đã có những phát ngôn bênh vực nhân viên khi cho rằng họ “làm đúng theo luật” và gọi hành khách bị kéo lê là người “gây rối”, “hung hãn”. Hậu quả đi cùng với những phẫn nộ đó là sự sụt giảm liên tục giá cổ phiếu của hãng. Phải đến 24 giờ sau, khi cả thế giới phẫn nộ với cách hành xử của United Airlines, ông Munoz mới đưa ra lời xin lỗi thứ hai với giọng điệu ăn năn hơn. Dù vậy, United Airlines vẫn phải chịu tổn thất lên đến 225 triệu USD vốn hóa và mất đi 11% giá trị cổ phiếu.

Tại thị trường Châu Á lớn nhất của United Airlines là Trung Quốc, người dân đang kêu gọi nhau tẩy chay hãng hàng không này khi gọi đây là hành động phân biệt chủng tộc. Tuy Người phát ngôn của hãng đã bác bỏ luận định này và khẳng định, hành khách bị buộc rời khỏi máy bay không phải vì là người Châu Á nhưng điều đó cũng không làm nguôi đi sự tức giận của người dân Trung Quốc.

United Airlines đang trên đà vực dậy sau những cuộc khủng hoảng năm 2015 và ông Munoz cũng vừa trở thành người hùng khi đưa cổ phiếu của hãng tăng 23%. Tuy vậy, sau vụ bê bối và cách xử lý truyền thông kém nhạy bén lần này, United Airlines sẽ lại một lần nữa đối mặt với khó khăn và thử thách để giữ vị trí thứ 4 của mình trong danh sách những hãng hàng không uy tín nhất nước Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cơn ác mộng” của United Airlines

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.