Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đột phá về công lý

Phương Quỳnh| 22/04/2017 06:54

(HNM) - Sau 6 tháng điều tra và 2 ngày xét xử, kết thúc phiên tòa luận tội Tập đoàn Hóa chất Monsanto, Tòa án Quốc tế về Monsanto tại La Haye (Hà Lan) vừa ra phán quyết kết án tập đoàn này về tội hủy diệt môi trường, gây tác hại lâu dài tới hệ sinh thái và cuộc sống của người dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Việc cung cấp những hóa chất hủy diệt môi trường và gây tác hại đến sức khỏe của Tập đoàn Monsanto đã bị phản đối tại nhiều quốc gia.



Đây là phiên tòa công dân nhằm đánh thức dư luận và thúc đẩy thực thi pháp luật, diễn ra theo sáng kiến của các tổ chức bảo vệ môi trường. Những tổ chức này đã theo đúng thể thức của Tòa án La Haye, mời 5 thẩm phán điều tra hồ sơ Monsanto, tập đoàn hóa chất đã từng tham gia cung cấp chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam và đang sản xuất thuốc trừ sâu, giống cây trồng biến đổi gien. Kết luận của các thẩm phán dựa trên nhiều báo cáo và chứng cứ được thừa nhận. Theo đó, Monsanto đã tiến hành các hoạt động gây tác hại đến môi trường, ảnh hưởng đến quyền của các dân tộc bản địa và các cộng đồng địa phương. Ngoài ra, hoạt động thương mại đối với giống biến đổi gien của Monsanto đã gây ảnh hưởng đến các quyền về lương thực và y tế vì đã ép buộc nông dân phải chấp nhận các phương thức trồng trọt không tôn trọng lối canh tác truyền thống. Hoạt động của Monsanto cũng làm phương hại các quyền tự do nghiên cứu khoa học, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin.

Do đây là phiên tòa công dân nên kiến nghị của tổ chức này không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Nhưng những thông điệp được gửi đi có tác động mạnh mẽ tới dư luận thế giới, thúc đẩy xây dựng một khái niệm pháp lý mới về tội ác hủy diệt môi trường. Đáng chú ý là các nạn nhân cũng có thể sử dụng các luận điểm pháp lý trong kiến nghị tham vấn để kiện Monsanto - tập đoàn từng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều quốc gia bằng những loại hóa chất mà hãng này cung cấp.

Từ khi được thành lập vào năm 1901 tại St Louis, Missouri (Mỹ), Monsanto đã vấp phải nhiều chỉ trích khi tập đoàn đã sản xuất nhiều loại sản phẩm gây hại cho môi trường và người tiêu dùng như chất độc da cam/dioxin, hoóc môn tăng sữa cho bò, chất làm ngọt nhân tạo có khả năng gây ung thư Aspartame (E951)... Trong chiến tranh Việt Nam, Monsanto là một trong 37 công ty cung cấp cho quân đội Mỹ hơn 19 triệu gallon (khoảng 76 triệu lít) chất độc da cam/dioxin rải xuống nhiều khu vực miền Trung và Nam Việt Nam trong thời gian từ năm 1961 đến 1973. Mặc dù chính quyền Washington tuyên bố loại hóa chất trên vô hại nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy, loại chất này có thể khiến trẻ sơ sinh bị dị tật và di truyền cho các thế hệ sau.

Theo thống kê tại Việt Nam, khoảng 4,8 triệu người đã bị phơi nhiễm, hàng trăm nghìn người đã chết, những nạn nhân còn sống đang phải vật lộn với các căn bệnh hiểm nghèo vì chất độc da cam/dioxin. Di chứng của việc nhiễm loại chất độc này đã truyền qua thế hệ con, cháu, chắt, làm hàng vạn người bị tước đi quyền làm cha, làm mẹ. Hàng triệu trẻ em sinh ra nhưng không được làm người hoàn thiện. Đáng sợ hơn, di chứng chất độc da cam/dioxin đã lan truyền đến thế hệ thứ 4 với con số nạn nhân bị ảnh hưởng lên tới khoảng 2.000 người. Trong khi đó, hành trình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng đã kéo dài qua nhiều thế hệ mà chưa đạt được kết quả.

Như vậy, với phán quyết của Tòa án Quốc tế về Monsanto, hành trang pháp lý của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trở nên dày dặn hơn để tiếp tục cuộc đấu tranh đòi công bằng, buộc Monsanto phải có trách nhiệm đối với những hậu quả tàn khốc do chất độc da cam/dioxin gây ra. Đó thực sự là một tội ác mang tính hủy diệt, chống lại loài người nhưng đã bị tập đoàn này lãng quên hơn 40 năm qua. Phán quyết cũng là bước đột phá về công lý để buộc những tập đoàn xuyên quốc gia như Monsanto phải kinh doanh một cách có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường thiên nhiên và đời sống nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đột phá về công lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.