Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cài đặt lại quan hệ với đồng minh Arab

Thùy Dương| 24/04/2017 06:25

(HNM) - Chuyến công du Trung Đông và Châu Phi đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, từ ngày 18 đến 23-4, được dư luận khu vực quan tâm đặc biệt bởi nó diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang căng thẳng sau cuộc không kích của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria hồi đầu tháng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) và người đồng cấp Saudi Arabia Mohammad Bin Salman Al Saud.


Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp ở khu vực như cuộc chiến chống khủng bố, khủng hoảng ở Syria hay Yemen, thì chuyến thăm tới Saudi Arabia, Ai Cập, Israel, Qatar và Djibouti của ông chủ Lầu Năm Góc là rất đáng chú ý.

Theo các nhà phân tích, dưới thời Tổng thống D.Trump, Mỹ có chiến lược riêng đối với khu vực Trung Đông vì lợi ích và an ninh của nước này. Washington cần những điểm tựa, những đồng minh ở Vùng Vịnh như Saudi Arabia, Qatar hay Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia đã "nổi sóng" trong giai đoạn cầm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama liên quan đến một loạt bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi. Khi những khác biệt vẫn tồn tại, nó đã khiến chính các đồng minh của Mỹ tại khu vực không tránh khỏi những hoài nghi và toan tính riêng.

Tới thủ đô Riyadh trong chặng đầu tiên của hành trình, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis mang theo thông điệp của chính quyền Tổng thống D.Trump là muốn tăng cường mối quan hệ đồng minh giữa hai nước thông qua việc lắng nghe và hiểu biết lẫn nhau, đồng thời muốn hỗ trợ hơn nữa cho Saudi Arabia nhằm đối phó với các lực lượng khủng bố ở Yemen.

Thực tế, hiện nay các lãnh đạo Saudi Arabia đang lo ngại về sự can dự ngày càng tăng của Iran vào các quốc gia Arab thông qua ảnh hưởng với cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite, đặc biệt là tại Yemen. Là quốc gia láng giềng có chung đường biên giới phía Đông với Saudi Arabia, Yemen đã bị tàn phá nặng nề do cuộc nội chiến kéo dài hai năm qua giữa nhóm nổi dậy người Houthi do Iran hậu thuẫn với các lực lượng thân Chính phủ được sự hỗ trợ của Saudi Arabia.

Vì vậy, tăng cường hợp tác giữa Mỹ và Saudi Arabia trong vấn đề Yemen phần nào nói lên mức độ quan hệ đồng minh giữa hai nước dưới thời chính quyền Tổng thống D.Trump. Đổi lại, Washington muốn Riyadh tăng cường tham gia vào chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria, điều không khó thuyết phục Saudi Arabia đồng ý.

Tiếp tục sứ mệnh cài đặt lại quan hệ với các quốc gia đồng minh tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi, khi tới Ai Cập, ngoài việc làm ấm lại mối quan hệ giữa hai nước nói chung, trong lĩnh vực quân sự nói riêng, Bộ trưởng Mattis và các nhà lãnh đạo nước này đã thảo luận về các biện pháp chống lại các phần tử khủng bố, cực đoan ở bán đảo Sinai. Mỹ đánh giá Ai Cập là một đối tác an ninh quan trọng ở khu vực và là cầu nối để thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.

Trong các cuộc tiếp xúc với quan chức Israel, Mỹ ủng hộ thúc đẩy tiến trình hòa đàm Trung Đông nhằm cố gắng đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa hai bên. Bên cạnh vấn đề quân sự, Mỹ sẽ hỗ trợ các nước đồng minh phát triển kinh tế thông qua các khoản viện trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới. Đây cũng là cách thức để các nước ổn định, ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.

Có thể thấy, khi chính quyền Tổng thống D.Trump đang phải đối mặt với khu vực Trung Đông “nóng bỏng”, cuộc chiến ở Syria kéo dài chưa có hồi kết, tình hình Yemen, Libya và tiến trình hòa bình Israel - Palestine cũng chưa thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”... thì chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis được xem là động thái nhằm cài đặt lại quan hệ với các đồng minh Arab. Điều này cũng khẳng định chính sách Trung Đông mới của chính quyền Washington.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cài đặt lại quan hệ với đồng minh Arab

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.