Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cam kết xuyên Thái Bình Dương

Thùy Dương| 26/04/2017 06:30

(HNM) - Chuyến công du Châu Á - Thái Bình Dương, tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Australia của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence vừa kết thúc đã gửi đi thông điệp về việc Mỹ tiếp tục duy trì mối quan hệ đồng minh vững mạnh với các quốc gia trong khu vực này.

Trước đó, đã có nhiều đồn đoán về chính sách xoay trục Châu Á của Tổng thống Donald Trump nhưng với một lịch trình nghị sự dày đặc từ Seoul, Tokyo, Jakarta tới Canberra của nhân vật thứ hai Nhà Trắng, có thể thấy chính quyền của nhà tài phiệt này vẫn sẽ can dự mạnh mẽ ở châu lục mà Mỹ có những lợi ích sống còn.

Phó Tổng thống Mỹ M.Pence (trái) gặp Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tại Sydney.



Trong chuyến công du chính thức đầu tiên tới Châu Á - Thái Bình Dương, ông M.Pence đã nhấn mạnh cam kết lâu dài của Tổng thống D.Trump với các đối tác của Mỹ trong khu vực, nêu bật chương trình hợp tác kinh tế của Washington, đồng thời khẳng định sự ủng hộ vững chắc của chính quyền với lực lượng quân đội Mỹ đang đồn trú tại nước ngoài. Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng, chặng dừng chân đầu tiên ở Seoul là cơ hội để Phó Tổng thống M.Pence tái khẳng định cam kết của Washington đối với an ninh ở Hàn Quốc, đặc biệt củng cố sự ủng hộ chính trị ở nội bộ Hàn Quốc cho việc nhanh chóng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Khi tới xứ sở Hoa anh đào, ông M.Pence tiếp tục nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của Mỹ là đáng tin cậy và khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật như nền tảng cho sự ổn định của khu vực. Ngoài ra, Mỹ muốn mở rộng vai trò an ninh và ngoại giao của Nhật Bản tại Đông Nam Á và Biển Đông - vùng biển có ý nghĩa chiến lược với lợi ích của Mỹ tại Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu. Do đó, khi thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan đóng ở Nhật Bản, Phó Tổng thống M.Pence khẳng định Washington sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Cùng với trụ cột an ninh, trụ cột kinh tế trong chính sách đối với Châu Á của chính quyền Tổng thống D.Trump cũng được điều chỉnh theo hướng thực dụng hơn. Hủy bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với lý do hiệp định này có nguy cơ gây tổn hại lợi ích của nước Mỹ, Phó Tổng thống M.Pence đã ngỏ ý muốn khởi động đối thoại kinh tế cấp cao với Nhật Bản, điều có thể dẫn tới một Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương.

Chặng dừng chân của ông M.Pence tại Jakarta và cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo là một động thái cho thấy mối quan tâm của ông D.Trump tại Châu Á không chỉ là vấn đề Triều Tiên và sự mất cân bằng thương mại Mỹ - Trung. Tại đây, ông M.Pence đã thông báo việc Tổng thống D.Trump sẽ tham dự hai hội nghị cấp cao tại Philippines và Hội nghị Cấp cao APEC tại Việt Nam vào tháng 11 tới, đồng thời hối thúc chính phủ đang chú trọng hoạt động đối nội của Indonesia đảm nhận vai trò tiềm năng tại khu vực, tạo tiếng nói thống nhất trong ASEAN và kiểm soát chặt chẽ những nhân tố gây mất an ninh hàng hải.

Hành trình cuối cùng tại Australia, Phó Tổng thống Mỹ M.Pence đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nhằm xoa dịu những mối quan ngại của nước chủ nhà về cam kết của chính quyền D.Trump đối với việc duy trì cấu trúc an ninh và kinh tế do Mỹ dẫn đầu tại Tây Thái Bình Dương. Mối quan hệ giữa Australia và Mỹ không mấy êm đẹp sau khi ông chủ mới của Nhà Trắng chỉ trích thỏa thuận mà Australia ký với chính phủ tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama để Mỹ tiếp nhận người tị nạn từ các trung tâm giam giữ của Australia ở ngoài khơi nước này. Thế nên các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của Phó Tổng thống M.Pence sẽ giúp củng cố mối quan hệ song phương bởi thực tế, giới chức hai bên đều bày tỏ mong muốn có một sự khởi đầu mới để phá tan rào cản giữa hai nước.

Theo giới quan sát, chuyến công du dài ngày là cơ hội cho Phó Tổng thống M.Pence phác thảo các chính sách của chính quyền Mỹ đối với đồng minh trong khu vực và phát đi tín hiệu rằng Washington vẫn sẽ tiếp tục can dự tích cực tại Châu Á, vì sự ổn định an ninh và kinh tế khu vực rất quan trọng đối với sự phát triển và thịnh vượng của nước Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cam kết xuyên Thái Bình Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.