Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh NATO: Nỗ lực củng cố liên minh

Phương Quỳnh| 27/05/2017 06:37

(HNM) - Ngày 25 và 26-5, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ).


Các nhà lãnh đạo thành viên NATO tại Hội nghị Thượng đỉnh.


Ngay khi chưa cầm quyền, ông chủ Nhà Trắng đã bày tỏ hoài nghi về sự cần thiết của liên minh quân sự này. Thậm chí, ông Donald Trump không ngần ngại miêu tả NATO là một tổ chức “lỗi thời”. Vì vậy, mục tiêu của hội nghị là làm rõ quan điểm của Washington trong bối cảnh NATO phải đối mặt với những thách thức như cuộc chiến chống khủng bố, tranh cãi về đóng góp ngân sách để duy trì hoạt động của khối và mối quan hệ căng thẳng Đông - Tây.

Đúng với nhiều dự đoán trước thềm hội nghị, những chia rẽ xung quanh nghĩa vụ chia sẻ gánh nặng ngân sách đã phủ bóng lên các cuộc thảo luận của NATO. Tổng thống D.Trump đã thẳng thừng phê phán các thành viên không đóng góp đúng mức, đồng thời cho rằng nhiều đối tác của Mỹ trong liên minh đang nợ một số tiền lớn. Điều này trái với cam kết được các thành viên thống nhất năm 2014 về việc thực hiện lộ trình chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Cụ thể, tính đến nay mới chỉ có 5 thành viên là Anh, Estonia, Hy Lạp và Ba Lan đạt chỉ tiêu như cam kết.

Trên thực tế, chia sẻ gánh nặng chi tiêu luôn là vấn đề làm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ với các thành viên khác trong NATO. Nhiều năm qua, Mỹ luôn là nước đóng góp nhiều nhất cho tổ chức này. Đặc biệt, vài thập kỷ gần đây, khoản đóng góp của Washington tăng vọt. Mỹ đã nhiều lần cảnh báo các nước đồng minh khác phải tăng ngân sách quốc phòng nhưng chưa có nhiều kết quả. Vì thế, năm 2016 ngân sách NATO đã thiếu 119 tỷ USD. Đây là lý do khiến Tổng thống D.Trump nhiều lần tuyên bố sẽ không tiếp tục bảo vệ NATO một cách vô điều kiện nếu các nước thành viên không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, việc có nên để NATO đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố - cụ thể là chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - do Mỹ dẫn đầu ở Syria và Iraq cũng được xem là vấn đề chưa tìm được sự đồng thuận lớn. Mặc dù phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố NATO "sẽ trở thành một thành viên đầy đủ của liên quân quốc tế chống khủng bố”, song nhiều người vẫn nghi ngờ về mức độ tham gia của các nước thành viên tổ chức này.

Ngay trước thềm hội nghị, Pháp và Đức vẫn duy trì quan điểm cho rằng, việc NATO tham gia liên minh chống khủng bố trên chỉ nên mang tính biểu tượng và giới hạn ở khâu huấn luyện, cung cấp thông tin tình báo. Trước đó, Paris và Berlin vốn không mặn mà với kế hoạch tăng cường vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố do lo ngại các chiến dịch triển khai quân dàn trải sẽ gây tốn kém, ảnh hưởng đến quan hệ với các quốc gia Arab hoặc làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự với Nga ở Syria.

Một vấn đề được các thành viên NATO đánh giá là “điểm sáng” tại hội nghị lần này là quan điểm của Mỹ đối với Nga đã được làm rõ. Bằng tuyên bố của Tổng thống D.Trump khẳng định Nga là mối đe dọa với NATO, những lo lắng lâu nay của các đồng minh ở Châu Âu đã phần nào được giải tỏa. Tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng về những nguy cơ từ Nga đã không đi ngược lại những chính sách mà các quốc gia NATO áp dụng thời gian qua. Đây là thông điệp mà liên minh quân sự lớn nhất hành tinh muốn chuyển tải thông qua hội nghị lần này nhằm tái khẳng định một NATO đoàn kết, thống nhất.

Trợ lý Ngoại giao của Tổng Thư ký NATO, ông Tacan Ildem cũng đã cho rằng “NATO có vai trò thiết yếu trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Châu Âu cũng như Bắc Mỹ trong suốt gần 70 năm qua. Trong thời kỳ bất ổn và khó đoán như hiện nay, một liên minh mạnh mẽ là điều quan trọng hơn bao giờ hết”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh NATO: Nỗ lực củng cố liên minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.