Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chìa khóa cho an ninh khu vực

Hoàng Linh| 05/06/2017 06:13

(HNM) - Từ ngày 2 đến 4-6, Hội nghị cấp cao An ninh Châu Á lần thứ 16 (Đối thoại Shangri-La 2017), đã diễn ra tại Singapore với sự tham dự của các quan chức quốc phòng đến từ 27 quốc gia.

Sự hiện diện của IS tại Đông Nam Á và an ninh trên Biển Đông là chủ đề được nhiều nước quan tâm tại hội nghị Shangri-La 2017.


Đối với vấn đề Biển Đông, các nước đều cho rằng để giải quyết xung đột, trước tiên các quốc gia cần thống nhất về nhận thức, cũng như không làm phức tạp tình hình. Đại diện đoàn Việt Nam, Thượng tướng Bùi Văn Nam (Thứ trưởng Bộ Công an) nêu quan điểm: Xung đột trên biển cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế, trên cơ sở hòa bình, tôn trọng lợi ích chủ quyền của nhau. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cũng cho rằng việc làm xáo trộn trật tự quốc tế là một quyết định “thiếu sáng suốt”.

Đề cập tới tình hình Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng cho biết nước này phản đối việc các quốc gia quân sự hóa các đảo tranh chấp trên Biển Đông cũng như thực thi các yêu sách biển quá mức. Ông James Mattis đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và luật lệ quốc tế, bảo đảm lợi ích bình đẳng của tất cả các nước. Ngay tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đưa ra chiến lược 3 điểm của chính quyền mới về khu vực này, nhấn mạnh nỗ lực hàng đầu của Washington vẫn là tăng cường các quan hệ liên minh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Philippines và Thái Lan.

Năm nay, một điều đáng chú ý là việc đại diện Trung Quốc không tham gia phát biểu trong các phiên toàn thể, vốn được coi là dịp để Bắc Kinh đàm thoại trực tiếp với các nước ASEAN nói riêng và khu vực Châu Á nói chung về các vấn đề an ninh.

Đối với vấn đề Triều Tiên, sự đối đầu giữa quốc gia này với Mỹ và Hàn Quốc trong thời gian qua đã khiến tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng. Bên cạnh đó, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc và Nga, khiến tình hình khu vực Đông Bắc Á ngày càng phức tạp.

Trong bối cảnh ấy, Đối thoại Shangri-La 2017 được xem là cơ hội tốt để các bên trao đổi về cách "giảm nhiệt" cho tình hình chung. Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định nước này sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực ngoại giao cũng như gia tăng sức ép về mặt kinh tế cho tới khi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình tên lửa và hạt nhân.

Đề cập đến thách thức an ninh từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Đông Nam Á, đặc biệt là sau vụ tấn công khủng bố vừa qua tại Indonesia và sự gia tăng hoạt động của nhóm khủng bố Maute thân IS tại Philippines, các nước cho rằng cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong khu vực để ngăn chặn ảnh hưởng của IS tại Đông Nam Á.

Diễn ra trong bối cảnh an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có nhiều diễn biến khó lường và bất định, Đối thoại Shangri-La 2017 là dịp để các nước đưa ra quan điểm về an ninh, trật tự quốc tế cũng như những thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng trong khu vực.

Tất cả các phiên thảo luận đều đi đến thống nhất và nhấn mạnh hướng tiếp cận giải quyết các thách thức an ninh khu vực là tăng cường can dự ngoại giao, chính trị và thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế. Đây chính là chìa khóa đem lại thành công trong việc bảo đảm an ninh và thịnh vượng của khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chìa khóa cho an ninh khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.