Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triển vọng mờ nhạt

Thùy Dương| 25/06/2017 07:35

(HNM) - Tín hiệu lạc quan cho việc giải quyết xung đột tại miền Đông Ukraine vẫn vô cùng mờ nhạt khi thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực này thường xuyên bị vi phạm...

Cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine đã gây thiệt hại nặng nề.


Văn bản này được ký kết vào tháng 2-2015 tại thủ đô Minsk của Belarus nhằm chấm dứt xung đột giữa chính phủ và lực lượng đối lập Ukraine. Đây được xem là đáp án quan trọng trong bài toán đi tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, giao tranh vẫn liên tục xảy ra và các bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm ngừng bắn. Đến tháng 2 năm nay, lệnh ngừng bắn mới chính thức có hiệu lực. Dẫu vậy, Phó trưởng Phái bộ giám sát lệnh ngừng bắn của OSCE Alexander Hug mới đây khẳng định, “bức tranh” về xung đột giữa hai bên vẫn không có gì thay đổi trong 3 năm qua.

Cần thừa nhận một thực tế là dù các bên liên quan đã cam kết thực hiện Thỏa thuận hòa bình Minsk, song miền Đông Ukraine vẫn chưa im tiếng súng cũng như căng thẳng giữa Mátxcơva và Kiev không hề có dấu hiệu xuống thang. Theo một thống kê tương đối, đã có gần 10.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người bỏ nhà đi lánh nạn kể từ khi xung đột bắt đầu nổ ra sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Xung đột vũ trang giữa phe nổi dậy (được cho là có sự hậu thuẫn của Mátxcơva) và quân đội Ukraine liên tục bùng nổ khiến nhiều người thiệt mạng.

Trong một bước đi có thể làm trầm trọng thêm tình hình khu vực, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 38 cá nhân và các công ty của Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp này nhằm duy trì sức ép buộc Nga ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, đồng thời khẳng định sẽ không có chuyện dỡ bỏ trừng phạt cho đến khi nào Mátxcơva thực hiện bổn phận của mình trong Thỏa thuận hòa bình Minsk.

Quyết định trên của Nhà Trắng có thể sẽ chấm dứt hy vọng của Điện Kremlin về triển vọng cải thiện quan hệ giữa Mátxcơva và Washington. Các lệnh trừng phạt mới một lần nữa làm trầm trọng thêm căng thẳng vốn đã nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ - Nga quanh vấn đề Syria. Quyết định này cũng được đưa ra đúng vào ngày Tổng thống Donald Trump tiếp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Nhà Trắng.

Trước đó, việc người đứng đầu nước Mỹ từng kêu gọi cải thiện quan hệ với Nga đã khiến Ukraine không khỏi lo ngại. Song, kể từ khi nhậm chức ông Donald Trump và chính quyền mới của mình nhiều lần trấn an Ukraine bằng những cam kết hỗ trợ trong giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông nước này.

Trước diễn biến trên, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đã không khỏi thất vọng vì từng tin rằng, Mỹ sẽ thay đổi lập trường trong chính sách trừng phạt Mátxcơva, từ đó phá vỡ thế trận chống Nga của phương Tây.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, bước đi trên “không giúp cải thiện tình hình” trong khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Nga nhưng kinh tế các nước phương Tây cũng chịu tác động tương tự.

Là hai quốc gia có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, các biện pháp trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa Nga và Mỹ có thể khiến những nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine càng trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng mờ nhạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.