Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làn gió mới trên Đại Tây Dương

Thùy Dương| 15/07/2017 07:23

(HNM) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở lại Châu Âu để thực hiện chuyến thăm Pháp hai ngày theo lời mời của người đồng cấp nước chủ nhà Emmanuel Macron...

Tổng thống Mỹ D.Trump (trái) và Tổng thống Pháp E.Macron tại một cuộc họp báo chung ở Paris, ngày 13-7.


Diễn ra trong thời gian không dài, song lịch trình chuyến thăm của Tổng thống D.Trump tại Pháp dày đặc sự kiện. Bên cạnh cuộc hội đàm với Tổng thống E.Macron, người đứng đầu nước Mỹ còn được mời tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14-7. Các binh sĩ Mỹ cũng góp mặt trong lễ diễu binh để kỷ niệm 100 năm ngày Mỹ tham chiến tại Châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Sự kiện này được nhiều nhà phân tích nhận định là cử chỉ đầy ý nghĩa, thể hiện sự coi trọng mối quan hệ truyền thống giữa hai nước. Bỏ qua những vấn đề hai bên còn bất đồng, Tổng thống E.Macron vẫn hy vọng một sự điều chỉnh của Washington và luôn coi Mỹ là đồng minh chiến lược, đối tác quan trọng số một trong giải quyết những hồ sơ "nóng" như cuộc xung đột Syria, cuộc chiến chống khủng bố, khủng hoảng nhập cư và cả vấn đề chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, chuyến thăm Paris là cơ hội để Tổng thống D.Trump cải thiện hình ảnh ở Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung sau hàng loạt quyết sách gây rạn nứt mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Thực tế, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa kết thúc tuần trước, nước Mỹ khá "cô đơn" khi trước đó ông D.Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận quốc tế về chống biến đổi khí hậu đã đạt được tại Paris vào năm 2015. Quyết định này gây thất vọng khắp Châu Âu. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, chuyến công du nước Pháp của ông chủ Nhà Trắng có thể là nỗ lực để kéo quan hệ Pháp - Mỹ khăng khít trở lại. Ngoài ra, trong lúc Châu Âu có nhiều điều không “hài lòng” về Tổng thống Mỹ, Paris sẽ có được những thỏa thuận hợp tác đặc biệt với xứ Cờ hoa đúng vào lúc nước Pháp khó khăn về vấn đề an ninh, rất cần đến sự hậu thuẫn của “những người bạn hùng mạnh”. Chiến thuật thông minh của Tổng thống E.Macron bước đầu đã có hiệu quả khi trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống D.Trump đã để ngỏ khả năng đảo ngược quyết định liên quan đến Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu - 6 tuần sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận toàn cầu lịch sử này.

Dù còn tồn tại nhiều khác biệt, nhưng hai nhà lãnh đạo Pháp - Mỹ lại có quan điểm khá tương đồng về vấn đề Syria. Ông E.Macron ủng hộ chính sách can thiệp, chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vì những cáo buộc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống D.Trump đang tìm cách để tăng áp lực lên Damascus. Song trước hết, để đi đến đồng thuận về vấn đề này, hai bên cần chung lập trường về sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền Tổng thống B.Al-Assad.

Vì lẽ đó, ông E.Macron cho biết Pháp đang lựa chọn một "học thuyết" mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, trong đó không còn coi việc Tổng thống B.Al-Assad phải ra đi như một "điều kiện tiên quyết" để tiến hành các cuộc đàm phán. Thay vào đó, Pháp và Mỹ sẽ thúc đẩy một giải pháp thay thế cụ thể để chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến ở Syria. Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực an ninh, đồng thời kêu gọi lực lượng đồng minh đang chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) quyết tâm bảo vệ TP Mosul của Iraq.

Chuyến thăm Pháp của Tổng thống D.Trump được báo chí nước chủ nhà ví như “làn gió mới trên Đại Tây Dương”, thể hiện thông điệp rằng Paris vẫn là đồng minh gắn bó của Mỹ. Hơn thế, cho dù khác biệt đến đâu thì mối quan hệ Mỹ - Châu Âu luôn giữ vai trò quan trọng với cả hai bên nên cần được “hâm nóng” trở lại. Trong mục tiêu đó, nước Pháp được lựa chọn làm điểm khởi động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làn gió mới trên Đại Tây Dương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.