Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ đi chệch hướng

Quỳnh Dương| 19/07/2017 06:16

(HNM) - Trong một động thái nhằm triển khai chiến lược toàn cầu mới về chính sách đối ngoại và an ninh chung, Hội đồng đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) vừa nhóm họp để bàn về ưu tiên cho những năm tới. Trong đó, vấn đề liên quan đến làn sóng di cư trên Địa Trung Hải được coi là tâm điểm.

Làn sóng người di cư sẽ ảnh hưởng mạnh tới chiến lược toàn cầu mới của EU.


Không thể phủ nhận, từ khi cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát vào năm 2015, nỗ lực của các thành viên EU đã giúp phong tỏa tuyến đường của những người nhập cư trái phép qua các nước Balkan. Tuy nhiên, dòng người chạy trốn chiến tranh và đói nghèo đã lựa chọn con đường nguy hiểm hơn là đi từ Lybia và Ai Cập, vượt Địa Trung Hải vào Cựu lục địa. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), số người vượt biển vào Châu Âu từ đầu năm đến nay đã giảm mạnh, xuống còn khoảng 60.000 người, so với khoảng 193.000 người cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số người thiệt mạng trên hành trình tìm "miền đất hứa" lại cao hơn. Kể từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1.530 người phải bỏ mạng. Trong đó, tuyến đường biển trên Địa Trung Hải nối Bắc Phi với các bờ biển của Italia vẫn là hành trình nguy hiểm nhất khi đã cướp đi mạng sống của khoảng 1.440 người. Số còn lại chết trên tuyến đường phía Tây Địa Trung Hải và vùng biển nhỏ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Điều này cho thấy, Chiến dịch Sophia chống lại nạn buôn người trên Địa Trung Hải chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, vì lực lượng an ninh chỉ bắt giữ được một số tay chân cấp thấp của các mạng lưới đưa người nhập cư bất hợp pháp sang Châu Âu.

Một lý do nữa khiến những giải pháp chống lại làn sóng di cư bị hạn chế là sự không đồng thuận giữa các thành viên EU. Đơn cử như thỏa thuận phân bổ 160.000 người nhập cư đang tạm trú tại Italia và Hy Lạp. Mặc dù được đưa ra từ tháng 9-2015 nhưng việc thực thi thỏa thuận của các quốc gia đầu tàu như Đức và Pháp dường như không phát huy nhiều tác dụng khi hàng loạt nước thành viên như Ba Lan, Hungary, Czech, Slovakia một mực phản đối. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến những bất đồng nói trên chính là tiềm lực kinh tế khác nhau giữa các nước, dẫn đến sự sẵn sàng ở mức độ không giống nhau khi phải san sẻ gánh nặng chung.

Trong khi đó, xung đột tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi vẫn tiếp diễn sẽ khó ngăn dòng người di cư đổ về Châu Âu. Do vậy, nếu vẫn không thống nhất được kế hoạch tổng thể để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, EU sẽ tiếp tục phải đương đầu những thách thức nghiêm trọng về an ninh, kinh tế và xã hội. Đây có thể sẽ là yếu tố khiến chiến lược toàn cầu mới của khối có nguy cơ đi chệch hướng.

Hơn một thập kỷ sau khi chiến lược an ninh Châu Âu được công bố (năm 2003), cục diện thế giới đã có những xoay chuyển rõ rệt. Bản thân EU cũng gặp phải những biến động sâu sắc, đặc biệt là việc cử tri Anh quyết định rời EU tạo nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị thế và tương lai của khối. Vì vậy, tháng 6-2016, EU đã buộc phải hoàn thành việc xây dựng một chiến lược toàn cầu mới về chính sách đối ngoại và an ninh chung với thông điệp “Tầm nhìn chung, Hành động chung vì một Châu Âu hùng mạnh”. Tuy nhiên, mức độ thành công của bản chiến lược đầy tham vọng lần này vẫn là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ. Theo nhiều nhà phân tích, sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy cực hữu, sự phổ biến của chủ nghĩa hoài nghi và cả những bất lực của EU trong giải quyết vấn đề nhập cư… đang tạo nên sự cộng hưởng tiêu cực có nguy cơ đưa EU lâm vào một cuộc khủng hoảng đa phương diện của chính mình.

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì hướng tới những mục tiêu lớn lao, EU nên ưu tiên khởi động lại các cuộc thảo luận một cách sâu sắc về sự cân bằng giữa chủ quyền và lợi ích quốc gia, giữa mở rộng và củng cố liên minh để bảo đảm cho sự ổn định trước khi đề cập đến mục tiêu “hùng mạnh hơn” như chiến lược mới đề cập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ đi chệch hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.