Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoảng lặng tạm thời

Thùy Dương| 26/02/2018 06:42

(HNM) - Sau nhiều lần trì hoãn, rạng sáng 25-2 (giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày tại Syria nhằm cho phép vận chuyển hàng nhân đạo và sơ tán y tế ở khu vực Đông Ghouta của nước này.

Mưa bom liên tiếp dội xuống khiến các tòa nhà tại Đông Ghouta trở nên hoang tàn.


Nghị quyết yêu cầu "không trì hoãn" và các bên phải lập tức chấm dứt những hoạt động thù địch trên toàn lãnh thổ Syria, để cho phép hoạt động cứu trợ "an toàn và đều đặn". Để nhận được sự tán thành của Nga, nghị quyết có một số điều chỉnh so với dự thảo. Theo đó, văn kiện nêu rõ ngừng bắn sẽ không được áp dụng đối với các chiến dịch chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Al-Qaeda, cùng với những cá nhân, tổ chức và thực thể có liên quan tới hoạt động khủng bố.

Điều này sẽ cho phép chính phủ Syria tiếp tục tấn công những phần tử thánh chiến có quan hệ với Al-Qaeda ở Idlib, tỉnh cuối cùng của nước này còn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Nghị quyết do Thụy Điển và Kuwait - nước đang là Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 2-2018 - soạn thảo, đề xuất ngày 9-2. Để thông qua được văn bản này, Hội đồng Bảo an đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán căng thẳng trong phòng họp kín.

Trong những ngày qua, chiến sự tiếp diễn dữ dội tại khu vực Đông Ghouta hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng nổi dậy Syria khi quân chính phủ đẩy mạnh chiến dịch giải phóng khu vực có hơn 400.000 thường dân sinh sống. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), chỉ trong vòng một tuần đã có hơn 500 người thiệt mạng và 2.116 người bị thương.

Con số này càng khiến bầu không khí về cuộc chiến Syria, vốn cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người, buộc hàng triệu người rơi vào cảnh mất nhà cửa, làm xáo trộn cân bằng quyền lực trong khu vực và đẩy nhiều quốc gia rơi vào thế đối đầu khi có quan điểm khách nhau về vấn đề Syria, thêm u ám. Các nhân tố quốc tế đã biến cuộc chiến từ chỗ chỉ là xung đột trực diện giữa Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và phe đối lập trở thành một khối hỗn độn mâu thuẫn chồng lấn. Trong đó, Mỹ đối đầu Nga, rạn nứt giữa người Hồi giáo dòng Sunni và Shiite ở Trung Đông thêm căng thẳng.

Tuy nhiên, xung đột bùng phát tại Đông Ghouta là hồi chuông cảnh tỉnh buộc cộng đồng quốc tế phải có hành động thực tế. Trong bối cảnh này, lệnh ngừng bắn vừa đạt được là “phương thuốc” cứu mạng của người dân ở Đông Ghouta. Phát biểu với báo chí sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với nghị quyết vì những người dân vô tội Syria đang cần được giúp đỡ. Trong khi đó, Đại sứ Pháp Francois Delattre nhấn mạnh cần phải sử dụng lệnh ngừng bắn như “một đòn bẩy” để đi tới một thỏa thuận chính trị.

Nhằm trấn an những ý kiến lo ngại về tính khả thi của lệnh ngừng bắn, cũng như nguy cơ các điều khoản trong văn kiện có thể bị hiểu sai, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có kế hoạch nhóm họp trở lại về vấn đề này trong 15 ngày tới để đánh giá kết quả việc thực hiện ngừng bắn. Đây được xem là một sự thỏa hiệp đáng kể giữa Nga và phương Tây, trong bối cảnh rất nhiều dự thảo nghị quyết về Syria những năm qua đều bị đổ vỡ do sự khác biệt về lập trường giữa các bên.

Tuy vậy, ngay cả đối với sự kiện lần này, các chuyên gia cũng không đặt nhiều kỳ vọng. Theo ông Noah Feldman, Giáo sư Luật quốc tế và Hiến pháp Trường Đại học Harvard (Mỹ), lợi ích quốc tế mâu thuẫn nhau ở Syria sẽ không sớm giải quyết. Nga không muốn quyền lực của Tổng thống B.Al-Assad lung lay khi rút quân về. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục can dự chừng nào người Kurd ở Syria chưa bị đánh bại. Trong khi Iran có lợi ích lâu dài ở Syria, còn Israel lại có lợi ích bất biến trong việc chống lại Iran. Do vậy, ngừng bắn mới chỉ là một khoảng lặng tạm thời và khát vọng sớm chấm dứt cuộc chiến dai dẳng tại Trung Đông vẫn còn rất mong manh với người dân Syria.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoảng lặng tạm thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.