Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trước khe cửa hẹp

Phương Quỳnh| 07/05/2018 06:22

(HNM) - Thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) được Iran ký kết hồi tháng 4-2015 với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đang bên bờ vực đổ vỡ.

Tổng thống Mỹ D.Trump kiên quyết muốn thay đổi thỏa thuận hạt nhân Iran.


Sau nhiều nỗ lực suốt nửa năm qua, đến thời điểm hiện tại cả Mỹ và Iran đều không thay đổi quan điểm cứng rắn của mình. Trong một diễn biến mới đây, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran, ông Ali Shamkhani cho biết, nước này quyết tâm bác bỏ những yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc thay đổi JCPOA.

Phía Iran cho rằng ông chủ Nhà Trắng không chấp nhận những thỏa thuận dưới thời tổng thống tiền nhiệm khi đòi hỏi sự thay đổi, vì vậy, không có gì bảo đảm rằng nếu yêu cầu của ông D.Trump được đáp ứng, người kế nhiệm chiếc ghế tại Nhà Trắng tiếp theo sẽ không phủ nhận. Trong thông điệp gửi tới Tổng thống D.Trump, ông Shamkhani nêu rõ đây là một thỏa thuận quốc tế, đồng thời khẳng định Iran sẽ không khuất phục trước sức ép từ Mỹ. Tehran cũng đe dọa sẽ rút khỏi văn bản trên nếu không nhận được các lợi ích kinh tế mà các bên đã cam kết.

Trong khi đó, người đứng đầu nước Mỹ dường như không có dấu hiệu sẽ thay đổi thời hạn tối hậu thư để các nghị sĩ Mỹ và đồng minh Châu Âu sửa đổi nội dung thỏa thuận. Phát biểu trên kênh truyền hình CBS, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nêu rõ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được xem xét vào ngày 12-5 và không có khả năng được gia hạn. Hiện tại bế tắc vẫn nằm ở 4 điều kiện mà Tổng thống D.Trump vạch ra cho thỏa thuận bổ sung JCPOA và kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua thành luật.

Cụ thể, Iran phải cho phép các cơ quan trung gian thị sát mọi địa điểm mà các thanh sát viên quốc tế yêu cầu; không bao giờ được phép tiến sát đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân; thỏa thuận bổ sung phải nêu rõ không có hạn chót cho các điều khoản này; chương trình hạt nhân và tên lửa tầm xa của Iran là các thành tố không thể tách rời.

Các điều kiện trong thỏa thuận bổ sung của ông D.Trump được cho là nhằm duy trì sự hạn chế vô thời hạn đối với chương trình hạt nhân của Iran cũng như tìm cách kết nối văn bản mới với chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Trong khi đó, Iran phản đối việc thương thảo lại văn kiện này cũng như chỉ trích Mỹ đang vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trước nguy cơ JCPOA bị đổ vỡ, các lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU), trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thực hiện những chuyến thăm con thoi tới Mỹ nhằm thuyết phục Tổng thống D.Trump thay đổi quyết định. Tuy nhiên, hy vọng có thể đảo ngược tình thế là rất mong manh.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã cảnh báo, nếu thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 sụp đổ sẽ là một tổn thất lớn. Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano khẳng định lại việc Iran cần tiếp tục tuân thủ các điều khoản trong JCPOA và thỏa thuận này cho thấy thành công của hoạt động thanh sát hạt nhân. Vì vậy, việc văn bản này bị “xóa sổ” sẽ là thất bại lớn đối với hoạt động thanh sát hạt nhân trên toàn thế giới.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng khuyến cáo về một tình thế hết sức lo ngại nếu các bên từ bỏ JCPOA, đồng thời kêu gọi một cuộc đối thoại để đi đến những quyết định có lợi cho sự ổn định và hòa bình trong khu vực.

Theo các nhà phân tích, trong khi cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chưa có kết quả rõ ràng, việc làm nóng “lò lửa hạt nhân Iran” đang đặt không chỉ nước Mỹ mà cả khu vực Trung Đông cũng như thế giới trước thách thức an ninh nghiêm trọng với những hệ lụy khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước khe cửa hẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.