Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Đông trước vòng xoáy bất ổn

Quỳnh Dương| 10/05/2018 06:32

(HNM) - Sáng sớm 9-5 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân - còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - được ký kết vào năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1.

Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và nhóm P5+1.


Trong tuyên bố trên truyền hình trực tiếp, Tổng thống D.Trump chỉ trích Iran đang tiếp tục hỗ trợ khủng bố, kích động bạo lực trên khắp khu vực Trung Đông và theo đuổi vũ khí hạt nhân. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 dưới thời Tổng thống Barack Obama bị khiếm khuyết ngay từ bên trong và là một thảm họa, không mang lại hiệu quả thực sự.

Việc Mỹ đồng ý theo đuổi thỏa thuận trên sẽ "châm ngòi" cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tại Trung Đông. Đó là lý do vì sao Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.

Ngay sau tuyên bố trên, Washington đã có những động thái nhằm gây sức ép tới các doanh nghiệp Châu Âu về thỏa thuận hợp tác với Iran. Theo lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, các công ty Châu Âu có vài tháng để cắt giảm các hợp đồng đang thực hiện với Iran, nếu không sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Mô tả chi tiết quyết định của Tổng thống D.Trump tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, ông Bolton cho biết, các công ty "không được phép có hợp đồng mới" và chỉ rõ "các điều khoản cắt giảm" trong thời hạn từ 90 đến 180 ngày với những hợp đồng ở các lĩnh vực bị ảnh hưởng.

Động thái rút khỏi JCPOA của Tổng thống D.Trump được xem là bước đi quan trọng nhằm thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, quyết định này không chỉ gây ra làn sóng tranh cãi ngay trong nội bộ nước Mỹ mà còn gây chia rẽ nghiêm trọng giữa “chú Sam” và các đồng minh thuộc Liên minh Châu Âu (EU) như Đức, Pháp, Anh...

Ngày 9-5, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định, thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 "không chết" dù Tổng thống D.Trump quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Để bày tỏ ủng hộ đối với Iran, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và sẽ trao đổi thêm vào cuộc họp giữa 2 nước dự kiến tổ chức ngày 14-5 tới.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel cũng bày tỏ thất vọng trước quyết định của Tổng thống D.Trump. Ông cảnh báo sự sụp đổ của JCPOA sẽ gây ra nhiều bất ổn và chiến tranh tại khu vực Trung Đông. Nhà lãnh đạo này kêu gọi EU và các đối tác quốc tế tiếp tục duy trì cam kết và Iran cần tiếp tục đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ nêu trong JCPOA.

Tương tự, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cũng cho biết, Ireland "rất thất vọng" trước quyết định của Mỹ rút khỏi JCPOA trong bối cảnh Ireland, các nước EU cùng đa số các quốc gia trên thế giới đều tin tưởng thỏa thuận này là một thành tựu ngoại giao quan trọng và tất cả các bên cần thực thi đầy đủ các cam kết. Theo quan chức Ireland, thế giới nói chung và Trung Đông nói riêng sẽ an toàn và ổn định hơn nếu JCPOA vẫn có hiệu lực.

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ rút khỏi JCPOA có thể đẩy nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp hoặc gián tiếp tại các điểm nóng giữa Iran và hai đối thủ chính là Israel và Saudi Arabia leo thang nhanh chóng. Bằng chứng là sau tuyên bố của Tổng thống D.Trump, Tổng thống Iran Hassan Rouhani lập tức ra lệnh các cơ quan nguyên tử chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp để khởi động chương trình làm giàu uranium mà không có bất cứ giới hạn nào. Lời tuyên bố của ông Rouhani có thể mở màn cho một cuộc chạy đua vũ trang mới tại Trung Đông với những hiểm họa khó đoán định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trung Đông trước vòng xoáy bất ổn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.