Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những kỳ vọng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

Theo TTXVN| 17/05/2018 07:25

Báo Liên hợp buổi sáng của Singapore đăng bài viết của nhà nghiên cứu Hứa Huy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Anboud (Trung Quốc) phân tích và nhận định về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Triều sắp tới.

Thượng đỉnh Hàn - Triều là bước khởi đầu cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: Yonhap/TTXVN


Tiếp theo thành công của cuộc gặp mang tính lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra ngày 27-4 vừa qua, dư luận đang kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Triều sắp tới cũng sẽ đạt được những kết quả mang tính đột phá, góp phần thiết lập lại hòa bình và ổn định tại Bán đảo Triều Tiên.

Theo tác giả bài báo, thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều vừa qua đã mở ra bước khởi đầu tốt đẹp cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tới đây. Ông Trump trước đây từng tuyên bố nếu không đạt được thống nhất với Kim Jong-un sẽ “rời đi một cách lịch sự”.

Tuy nhiên, diễn biến tình hình đang cho thấy khả năng đó sẽ không xảy ra. Với Kim Jong-un, những gì đã đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều chỉ là khởi đầu, kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tới đây mới mang ý nghĩa quyết định.

Ngược lại, Donald Trump cũng đang rất kỳ vọng sự thành công của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ trở thành một điểm sáng, xóa đi những dị nghị về vị Tổng thống xuất thân từ tỷ phú này.

Theo đó, tại cuộc gặp sắp tới, hai bên có thể sẽ tập trung thảo luận, đồng thời ra tuyên bố chung về những nội dung cụ thể gồm:

Thứ nhất, Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, Tuyên bố chung Hàn - Triều đưa ra sau cuộc gặp lịch sử giữa Moon Jae-in và Kim Jong-un vừa qua chỉ đề cập đến viễn cảnh chung nhất, các nội dung mang tính then chốt vẫn đang kỳ vọng sẽ được giải quyết tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Do đó, Donald Trump và Kim Jong-un tới đây có thể sẽ đi sâu đàm phán cụ thể về lịch trình từ bỏ hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng tuyên bố đóng cửa cơ sở thử hạt nhân của nước này trong tháng 5-2018 chỉ là bước đầu tiên.

Tiếp theo, Triều Tiên sẽ phải tái gia nhập Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) mà nước này đã rút khỏi hồi năm 2003; hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để thúc đẩy thực hiện NPT, đồng thời chấp nhận các hoạt động thanh tra và giám sát liên quan của IAEA…

Thứ hai về vấn đề Hiệp ước hòa bình. Trên thực tế, ngay trong Tuyên bố vì hòa bình thịnh vượng và phát triển quan hệ liên Triều đạt được giữa Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun và Chủ tịch Kim Jong-il hồi năm 2007, hai bên đã sớm nhất trí về việc cần phải tuyên bố kết thúc chiến tranh và thiết lập một cơ chế hòa bình vĩnh viễn tại Bán đảo Triều Tiên.

Theo đó, Tuyên bố Panmunjom vừa qua đã đề cập một cách cụ thể hơn: “Hai bên tuyên bố kết thúc chiến tranh, chuyển hiệp định đình chiến thành hiệp ước hòa bình, thiết lập cơ chế hòa bình vĩnh viễn và nỗ lực thúc đẩy các cuộc hội đàm ba bên giữa Mỹ - Hàn -Triều hoặc bốn bên Mỹ - Trung - Hàn - Triều”.

Năm 1953, Hiệp định đình chiến được ký giữa các bên Trung Quốc, Triều Tiên và đại diện của Liên hợp quốc (LHQ). Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi và việc Trung Quốc có được tham gia ký kết Hiệp ước hòa bình sắp tới hay không vẫn là nội dung chưa xác định.

Bắc Kinh muốn tham gia ký kết và Bình Nhưỡng cũng muốn kéo người láng giềng của họ vào cuộc để làm hậu thuẫn cho mình, nhưng Hàn Quốc không muốn điều đó, đồng thời tập trung thúc đẩy ký kết hiệp ước hòa bình giữa ba bên Mỹ - Hàn - Triều.

Về phía Mỹ, Donald Trump bên ngoài tỏ ra hoan nghênh Trung Quốc phát huy vai trò của mình trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhưng thực chất ông này không hề muốn Bắc Kinh can thiệp và hậu thuẫn cho Bình Nhưỡng.

Theo đó, chuyến công du Bình Nhưỡng từ ngày 2 đến 3-5 của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa qua ngoài mục đích tiền trạm cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Triều Tiên, chắc chắn còn liên quan mật thiết tới việc hiệp ước hòa bình sẽ được ký kết như thế nào.

Dự kiến, hiệp ước hòa bình sắp tới sẽ đề cập trực tiếp tới việc đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, trong đó Washington có thể sẽ đưa ra một số cam kết như không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Bình Nhưỡng; không bố trí vũ khí hạt nhân chiến lược tại Hàn Quốc; không tổ chức diễn tập quân sự nhằm vào Triều Tiên… và nếu Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn hạt nhân thì không ngoại trừ khả năng Mỹ rút quân khỏi Bán đảo Triều Tiên.

Thứ ba, vấn đề xóa bỏ trừng phạt đối với Triều Tiên. Tuyên bố Panmunjom vừa qua hoàn toàn không đề cập đến việc xóa bỏ trừng phạt và cấm vận kinh tế đối với Triều Tiên, đồng thời cũng không đề cập đến các nội dung hợp tác kinh tế liên Triều.

Do vậy, mọi việc vẫn phải đợi đến khi Triều Tiên thực sự có các hành động từ bỏ hạt nhân và sẽ đưa ra thảo luận để quyết định tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.

Thứ tư, việc sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình của Triều Tiên. Sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình là quyền lợi được ghi nhận trong NPT dành cho các quốc gia tham gia hiệp ước.

Trước đây, khi Mỹ-Triều đạt được thỏa thuận về Hiệp định khung Geneva hồi tháng 10-1994, Washington đã cam kết nếu Bình Nhưỡng ngừng kế hoạch phát triển hạt nhân, Mỹ sẽ giúp Triều Tiên xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất 1000 MW.

Hiện nay, nguồn cung điện trong nước của Triều Tiên đang thiếu hụt lớn so với nhu cầu, do đó trong cuộc gặp Donald Trump - Kim Jong-un tới đây các bên có thể sẽ lại đàm phán về vấn đề phát triển điện hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Thứ năm, vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên. Trước đây, vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều cũng từng được đề cập đến khi hai bên đạt được thỏa thuận về Hiệp định khung Geneva năm 1994. Khi đó, hai bên nhất trí sẽ mở văn phòng liên lạc tại thủ đô mỗi nước và tiến tới nâng cấp thành đại sứ quán.

Do vậy, vấn đề thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều rất có khả năng cũng sẽ được đưa vào nội dung tuyên bố chung của cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Tuy nhiên, thời gian cụ thể còn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên và chắc chắn sẽ diễn ra sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những kỳ vọng về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.