Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không ngừng bắn, nhưng có giải pháp mềm

Thùy Dương| 09/09/2018 06:43

(HNM) - Nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột dai dẳng tại Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã nhất trí hợp tác để giải quyết tình hình tại tỉnh Idlib, thành trì lớn cuối cùng của lực lượng nổi dậy ở Tây Bắc Syria.

Tỉnh Idlib là thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy, nhưng cũng là nơi sinh sống của 3 triệu dân Syria.


Trong Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên tại thủ đô Tehran của Iran, lãnh đạo ba nước nhất trí rằng, cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể chấm dứt thông qua "tiến trình đàm phán chính trị" thay vì các biện pháp quân sự, đồng thời phải kiến tạo những điều kiện an toàn tại Syria.

Văn kiện trên cũng khẳng định ba nước sẽ hợp tác để xóa sổ hai tổ chức khủng bố là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận Al Nusra, một nhánh của Tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Syria. Ba nước thống nhất sẽ chống lại các chính sách ủng hộ ly khai tại Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia Trung Đông này. Ngoài ra, lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Syria tiếp theo tại Nga.

Idlib là một trong bốn khu vực giảm leo thang căng thẳng ở Syria được thành lập theo thỏa thuận do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí trong cuộc đàm phán tại Astana (Kazakhstan) vào năm 2017. Ý tưởng của việc thành lập các khu vực giảm căng thẳng tại thời điểm đó nhằm “đóng băng” xung đột, giảm thương vong đối với dân thường và mở đường cho một giải pháp chính trị.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố, Idlib sẽ là mục tiêu tiếp theo trong công cuộc giải phóng Syria. Quân đội nước này đã bắt đầu tập hợp binh sĩ, rải truyền đơn hối thúc người dân tuân theo các quy định của Nhà nước và yêu cầu các nhóm vũ trang đối lập đầu hàng. Dẫu vậy, việc xử lý các vấn đề chính trị, quân sự và nhân đạo tại Idlib phức tạp hơn so với 3 khu vực giảm căng thẳng còn lại.

Với diện tích khoảng 6.000km2, Idlib có khoảng 3 triệu người đang sinh sống. Liên hợp quốc từng cảnh báo, chiến dịch tấn công tại Idlib có thể khiến 2,5 triệu người dân trong số này chạy về phía biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Idlib cũng là thành trì của hơn 60.000 tay súng đối lập và sự hiện diện của nhóm phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Với hơn 12.000 phần tử, HTS đang kiểm soát một khu vực rộng lớn tại Idlib, hơn nữa nhóm này còn cam kết sẽ chiến đấu chống lại quân đội chính phủ tới cùng.

Nga, Iran và Chính phủ Syria có lý do chính đáng để phát động cuộc tấn công Idlib bởi HTS đã bị liệt vào nhóm khủng bố theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra giao tranh, quân đội Syria cùng các lực lượng ủng hộ chắc chắn sẽ vấp phải sự kháng cự quyết liệt của các nhóm phiến quân và khủng bố tại Idlib.

Một trở ngại khác là sự phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara lo ngại cuộc tổng tấn công trên có thể gây ra một dòng người di cư Syria đổ sang Thổ Nhĩ Kỳ tìm nơi trú ẩn. Do đó, đã có sự chia rẽ giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp thượng đỉnh vừa qua. Trong khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng yêu cầu một thỏa thuận ngừng bắn, thì nhà lãnh đạo Nga lại bác bỏ ý tưởng này, cho rằng, việc ngừng bắn là vô nghĩa khi không có sự tham gia của các nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan.

Theo các nhà phân tích, dù vẫn còn những bất đồng không dễ xóa bỏ nhưng việc ba nước quyết định giải quyết vấn đề Idlib trên tinh thần chủ đạo của tiến trình Astana là “hợp tác”, mới thực sự là điều quan trọng nhất. Và dẫu không có một lệnh ngừng bắn như kỳ vọng, song cuộc họp đã đưa ra giải pháp mềm tránh nguy cơ đổ máu ở Idlib.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không ngừng bắn, nhưng có giải pháp mềm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.