Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giai đoạn khó khăn của ông chủ Điện Elysee

Quỳnh Dương| 06/10/2018 06:47

(HNM) - Bất chấp lời kêu gọi ở lại của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước này Gerard Collomb vẫn kiên quyết từ chức với lý do tập trung tranh cử chức thị trưởng ở quê nhà của ông - TP Lyon.


Đây là lần thứ ba liên tiếp, Tổng thống Pháp E.Macron tỏ ra bị động trước những diễn biến có liên quan tới ông. Lần thứ nhất là bê bối của vệ sĩ thân cận Alexandre Benalla - người bị cáo buộc hành hung người biểu tình, giả danh cảnh sát hồi tháng 5. Các đảng đối lập chỉ trích rằng, vụ việc này là một minh chứng cho thấy có những lỗ hổng nghiêm trọng trong hoạt động của chính quyền Pháp ở cấp độ cao nhất và là biểu hiện theo xu hướng chuyên quyền khi Tổng thống E.Macron bao che, không xử lý hình sự hành động vi phạm pháp luật của nhân viên cấp dưới.

Lần thứ hai là sự bị động trước việc Bộ trưởng Bộ Sinh thái Nicolas Hulot, nhân vật số 3 trong chính phủ, bất ngờ từ chức hồi cuối tháng 8 mà không báo trước với Tổng thống. Tương tự, Bộ trưởng Bộ Nội vụ G.Collomb cũng chọn cách từ chức không theo thông lệ mà tuyên bố trực tiếp với báo giới.

Ông G.Collomb (trái) và Tổng thống Pháp E.Macron.


Là một chính trị gia có tiếng nói có trọng lượng, ông G.Collomb được xem là một trong những trợ thủ đắc lực nhất của Tổng thống E.Macron. Thậm chí, trước đây, chính trị gia 71 tuổi từng so sánh mối quan hệ giữa mình với Tổng thống E.Macron như tình cha con. Ông dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho ông chủ Điện Elysee ngay từ những ngày đầu thành lập Phong trào tiến bước năm 2016 và đã khóc vì tự hào trong suốt buổi lễ nhậm chức của Tổng thống E.Macron một năm sau đó.

Tuy nhiên, mối quan hệ khăng khít giữa họ bắt đầu xuất hiện rạn nứt vào mùa hè vừa qua, mà nguyên nhân chính là cách xử lý vụ bê bối A.Benalla. Bên cạnh đó, giới phân tích còn nhận định, đằng sau quyết định ra đi của ông G.Collomb chính là thông điệp cho thấy sự không hài lòng đối với đường lối lãnh đạo có phần cứng nhắc của Tổng thống Pháp.

Sau hơn một năm cầm quyền, nhà lãnh đạo 41 tuổi bắt đầu phải đối mặt nhiều thử thách trong nhiều lĩnh vực như việc nước này buộc phải cắt giảm dự báo tăng trưởng xuống mức 1,6% năm nay. Trong khi đó, các cải cách quan trọng trong lĩnh vực công, giảm thâm hụt ngân sách hay tổ chức lại hệ thống lương hưu vẫn chưa phát huy tác dụng tích cực. Chính vì vậy, tỷ lệ ủng hộ ông hiện ở mức rất thấp, chỉ 29%. Đây là một sự thụt lùi nghiêm trọng so với mức 66% sau khi đắc cử.

Rất nhiều cử tri, từ những người về hưu đến tầng lớp lao động thu nhập thấp đều cho rằng các chính sách của nhà lãnh đạo này đang thiên vị người giàu, như bỏ thuế tài sản và giảm thuế doanh nghiệp, song lại cắt trợ cấp nhà ở cho người nghèo, giảm lương khu vực công và tăng thuế lương hưu. Ngoài ra, họ còn tỏ ra thất vọng trước nạn thất nghiệp không giảm, vẫn mắc kẹt ở mức 9%. Thậm chí, cung cách cá nhân của Tổng thống cũng bị phê bình là trịch thượng và xa cách.

Hiện tại, để lấp khoảng trống trong nội các, Thủ tướng Edouard Philippe tạm thời kiêm nhiệm vị trí Bộ trưởng Nội vụ cho đến khi có người thay thế. Người đứng đầu nội các Pháp đã phải hủy chuyến thăm Nam Phi để “ở nhà” giải quyết công việc. Theo nhiều nhà phân tích, điều này cũng phản ánh điểm yếu của nguyên thủ Pháp, đó là thiếu những cộng sự nặng ký cho các vị trí chủ chốt. Đây sẽ là thách thức có tác động không nhỏ đến những kế hoạch cải cách mà nhà lãnh đạo nước Pháp đã và đang tiến hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giai đoạn khó khăn của ông chủ Điện Elysee

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.