Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ dấu lạc quan của kinh tế Mỹ

Thùy Dương| 11/11/2018 07:28

(HNM) - Tại cuộc họp đầu tiên sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ kết thúc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bỏ phiếu để duy trì mức lãi suất hiện tại...

Kinh tế Mỹ đang đà tăng trưởng mạnh.


Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và một số đối tác chủ chốt, đầu tư của doanh nghiệp giảm và thị trường nhà đất ảm đạm, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh với số việc làm tăng nhanh, tỷ lệ thất nghiệp giảm và chi tiêu hộ gia đình cao. Lạm phát đang tiến gần tới mục tiêu 2% đề ra. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức 3,7%, thấp nhất kể từ năm 1969.

Theo báo cáo của chính phủ hồi tuần trước, số việc làm trong tháng 10 vừa qua đã tăng thêm 250.000 và mức lương trung bình tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong gần 10 năm. Trong quý III, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ là 3,5% sau khi đạt 4,2% trong quý trước đó.

Sau khi FED nâng lãi suất lần thứ ba trong năm 2018 vào tháng 9 vừa qua, các nhà phân tích cho rằng, hiện nay khoảng cách giữa lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác đang bị nới rộng đáng kể. Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vẫn đang duy trì lãi suất tiền gửi ở mức -0,4% ít nhất cho đến mùa hè 2019. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thậm chí chưa có kế hoạch tăng lãi suất trước năm 2020. Do đó, việc FED tăng lãi suất sẽ buộc các thị trường mới nổi phải siết chặt chính sách tiền tệ để bảo vệ đồng tiền trong nước. Bên cạnh đó, chính sách tiếp tục thắt chặt tiền tệ của FED đi ngược với mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông chủ Nhà Trắng liên tục phản đối việc FED duy trì một đồng USD mạnh, không có lợi cho kinh tế Mỹ. Lãi suất tăng trong thời gian qua đã khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo, nhiều đồng tiền trên thế giới sụt giảm so với đồng USD. Đánh giá về động thái của ông D.Trump, nhiều nhà quan sát cho rằng Tổng thống Mỹ đang muốn kéo đồng USD suy yếu trở lại như là một biện pháp trả đũa chính sách phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thời gian gần đây.

Thực tế, Tổng thống D.Trump luôn thể hiện mong muốn duy trì đồng USD yếu. Ngay khi mới nhậm chức, ông từng cho rằng đồng nội tệ rẻ sẽ có lợi cho xuất khẩu của Mỹ, vốn đang chịu thâm hụt nặng nề với những đối tác thương mại lớn. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đồng USD cứ tăng giá đều so với các đồng tiền khác, một phần nhờ sự hỗ trợ từ chính sách tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ trở lại của FED, điều mà theo ông D.Trump là có thể gây thiệt hại đến tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Sau gần một thập kỷ áp dụng chính sách nới lỏng, FED đã tăng lãi suất cơ bản 8 lần từ cuối năm 2015 đến nay, mỗi lần 25 điểm phần trăm, đưa lãi suất từ mức thấp kỷ lục 0-0,25% lên 2-2,25% như hiện tại. Cho dù giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này, FED vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất lần thứ tư trong năm 2018 vào tháng 12. Điều này cho thấy FED vẫn tuân thủ chủ trương tăng lãi suất từ tốn, không để ảnh hưởng bất lợi đến thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử Mỹ. Trên thực tế, nếu giữ chính sách tiền tệ lỏng lẻo, lạm phát có thể bùng phát và bong bóng tài sản hình thành.

Tuy nhiên, việc tăng lãi suất quá nhanh có thể đẩy nền kinh tế rơi vào một cuộc suy thoái. Một số chuyên gia dự báo trong năm tới, FED chỉ tăng lãi suất 2 lần nữa, song cũng có ý kiến cho rằng, khả năng cơ quan này sẽ quyết định nâng lãi suất thêm 4 lần để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh kinh tế Mỹ duy trì đà tăng trưởng mạnh và thị trường việc làm sôi động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ dấu lạc quan của kinh tế Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.