Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các quốc gia có hệ thống xử lý rác thải tốt nhất thế giới

Bình Minh| 05/12/2018 14:45

(HNMO) - Hiện nay, châu Âu đang đi đầu trong các giải pháp xử lý rác thải và các quốc gia như Đức, Áo và Bỉ nằm trong số các nước có hệ thống xử lý rác thải tốt nhất thế giới.


Đức: Rác là cơ hội kinh doanh

Năm 1950, Đức có khoảng 50.000 bãi chôn lấp rác. Đến năm 2016, con số này đã giảm xuống chỉ còn 300 và tất cả các bãi chôn lấp đều không chấp nhận rác chưa qua phân loại. Chính phủ Đức đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xóa bỏ tất cả các bãi chôn lấp rác hiện có, đồng thời lên kế hoạch tái chế toàn bộ lượng rác thải và biến rác thải thành năng lượng.

Theo ước tính, việc tái chế rác và biến rác thành năng lượng sẽ giúp Đức tiết kiệm 3,7 tỷ euro mỗi năm. Các hệ thống xử lý rác thải đã giúp tiết kiệm 20% chi phí nhập khẩu kim loại và 3% chi phí nhập khẩu năng lượng.

Nhà máy đốt rác ở Oberhausen, Đức.


Các hệ thống xử lý rác thải tiên tiến cần nguồn tiền đầu tư lớn hơn nhiều so với các biện pháp xử lý rác truyền thống. Vì vậy, các doanh nghiệp Đức coi đây là một cơ hội đầu tư, kinh doanh. Họ cho rằng, nhờ các sáng kiến đột phá về xử lý rác thải, các doanh nghiệp Đức hiện đang dẫn đầu thế giới trong một lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển.

Một trong những sáng kiến về tái chế rác của Đức được nhiều quốc gia liên minh châu Âu làm theo, đó là nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc hạn chế lượng rác thải. Theo sáng kiến của Đức, các nhà sản xuất và bán lẻ phải trả tiền để có được Green Dot (điểm xanh) in trên bao bì sản phẩm. Nếu lượng bao bì càng lớn, doanh nghiệp càng phải trả nhiều chi phí. Để tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp buộc phải sử dụng ít giấy hơn, thủy tinh mỏng hơn và hạn chế kim loại, nhờ vậy, lượng rác thải ra môi trường sẽ giảm đi rất nhiều.

Áo: Dùng enzyme để tái chế nhựa


Ngoài những thành công trong việc phân loại rác thải và giảm số lượng bãi chôn lấp rác, Áo còn chú trọng phát triển các công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải. Một công ty công nghệ sinh học của nước này đã phát triển phương pháp sử dụng enzyme từ vi khuẩn để tái chế nhựa PET (Polyethylene terephthalate), loại nhựa thường được dùng để sản xuất chai nhựa đựng nước dùng một lần.

Rác thải nhựa có thể mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy hoàn toàn.


Kể từ năm 1950, lĩnh vực sản xuất nhựa đã không ngừng phát triển. Các sản phẩm nhựa có mặt ở mọi nơi, từ đồ dùng gia đình, đồ chơi trẻ em, trong xe hơi, tại nơi công sở... Theo số liệu thống kê của Greentumble, cứ 15 năm, khối lượng sản phẩm nhựa được sản xuất trên toàn cầu lại tăng gấp đôi, đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các loại vật liệu do con người chế tạo. Lượng rác thải nhựa thải ra môi trường ở mức khổng lồ và làm thế nào để tái chế lượng rác thải này là một bài toán không dễ dàng đối với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Áo, nhờ phát hiện ra loại enzyme “ăn nhựa” này, các nhà quản lý môi trường có thêm một lựa chọn hiệu quả để tái chế nhựa PET, thay vì chỉ xử lý bằng cách đốt hoặc nghiền nhỏ như trước đây.

Bỉ: Quản lý rác thải ngay từ khâu thiết kế

Bỉ sử dụng hai quy trình quản lý rác thải tiên tiến mang tên “Ecolizer” và “Sự kiện xanh” để quản lý rác thải ngay từ nguồn. Ecolizer giúp các nhà sản xuất tính toán được tác động của sản phẩm đối với môi trường ngay từ khi sản phẩm mới ở khâu thiết kế. Ví dụ, Ecolizer có thể đánh giá tác động môi trường của một chiếc máy sản xuất cà phê, bằng cách tính toán các tác động từ khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ năng lượng và lượng rác thải ra. Từ những tính toán này, Ecolizer sẽ gợi ý cách điều chỉnh thiết kế của sản phẩm để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Ecolizer cung cấp công cụ để quản lý rác thải ngay từ khâu thiết kế sản phẩm.


“Sự kiện xanh” cũng là một hệ thống công nghệ số tương tự. Hệ thống này cho phép các nhà tổ chức sự kiện tính toán được tác động từ những sự kiện của họ đến hệ sinh thái, ví dụ như lượng rác thải mà sự kiện đó sẽ thải ra môi trường. Trang web “Sự kiện xanh” còn cung cấp thông tin về nơi cho thuê các loại vật liệu có thể tái sử dụng để tổ chức sự kiện, thay vì sử dụng các loại đồ dùng một lần rồi vứt bỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Các quốc gia có hệ thống xử lý rác thải tốt nhất thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.